Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

NGHĨ VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI

 

VU GIA

 

 

Phật dạy: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”. Ai cũng có thể thành Phật khi phá mê khai ngộ. Và thành Phật không phải để người ta chiêm bái, mà để có điều kiện phổ độ chúng sinh, chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh lìa khổ được vui.

Đọc kinh luận Phật giáo Đại thừa, tôi thấy Phật dạy 4 giới trọng:

1- Không làm quốc tặc. Không hủy báng quốc chủ.

2- Từ bi làm gốc. Phương tiện làm môn.

3- Không trốn thuế quốc gia.

4- Không phạm quốc chế.

Qua 4 giới trọng này, tôi thấy làm lạ, cách nay hơn 2.500 năm mà lời dạy ấy vẫn chưa lỗi thời, thậm chí vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Bây giờ, ai ai cũng thực hiện theo 4 giới trọng ấy, thì đất nước tốt đẹp, an bình biết bao nhiêu, và là hành trang để chúng ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đây chính là đạo làm người

Nghiệm lại 4 giới trọng Phật đã dạy, theo suy nghĩ của tôi, “Không làm quốc tặc” là tuyệt đối không làm tổn hại đến quốc gia, tổn hại đến xã hội đại chúng. “Không hủy báng quốc chủ” là không nên xem thường, chê bai, hủy báng lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, dù đó là tổ trưởng tổ dân phố, thôn trưởng của thôn, bởi họ cũng là người lãnh đạo của một cộng đồng nhỏ. Nếu họ có làm sai, thì có quốc pháp xử lý, chúng ta chỉ nên góp ý nhỏ nhẹ trong những buổi họp để khỏi kết oán thù. Kết oán thù thì rất dễ, nhưng giải oán thù không dễ chút nào. Theo nhà Phật, hủy báng người khác là phạm giới. Giữ được giới này là nuôi dưỡng đạo làm người của mình.

“Từ bi làm gốc”, thì dễ hiểu rồi, nhưng “Phương tiện làm môn”, ít người lãnh hội. Phương là phương pháp. Tiện là tiện nghi. Phương tiện chính là phương pháp thích hợp, hay còn gọi phương tiện thiện xảo. Theo kinh sách nhà Phật, phương tiện thiện xảo (upāya-kosalla) là một thuật ngữ được xem như là đặc trưng của Phật giáo Đại thừa. Khái niệm này có thể được hiểu là những phương thức khéo léo, linh hoạt mà đức Phật sử dụng để giáo hóa từng đối tượng với căn cơ khác nhau.

Môn là pháp có chủng chủng sai biệt, có thể làm cho con người hướng đến Niết bàn, Đại thừa gọi là minh tâm kiến tính, kiến tính thành Phật. Do vậy, để được an vui trong cõi Ta bà này, chúng ta cố gắng lấy “Từ bi làm gốc. Phương tiện làm môn”.

“Không trốn thuế quốc gia”. Theo nhà Phật, trốn thuế làm phạm giới trộm cắp, trộm cắp của cải quốc gia còn nặng hơn trộm cắp vặt, quả báo không chỉ trong chớp mắt mà còn bị đọa vào địa ngục A Tỳ. Đệ tử Phật phải làm gương bằng cách phải biết tuân thủ. Giữ được giáo giới sẽ cải thiện cuộc sống của mình, đừng lo bị thua thiệt. Phật chỉ con đường cải biến vận mệnh bằng cách tu bố thí: Bố thí tài thì được của cải; bố thí pháp, thì được thông minh; bố thí vô úy, thì được mạnh khỏe sống lâu.

Không phạm giới trộm cắp, ít nhất sẽ thấy ngay trước mắt là bình an, không sợ cơ quan thực thi pháp luật gọi tên.

“Không phạm quốc chế” là không phạm pháp luật. Lâu nay, nhà nước ta luôn nhắc nhở mọi công dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chúng ta phải hiểu rằng đây là lối sống lành mạnh, thể hiện một trình độ văn minh, là lối sống có văn hóa, có kỷ cương, trách nhiệm, không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội mà cao hơn, đó là góp phần giữ gìn thế nước, sự trường tồn của dân tộc.

Đọc kinh sách của vài ba tôn giáo chính thống, tôi thấy tôn giáo nào cũng dạy con người làm lành lánh dữ, giúp đỡ mọi người, yêu thương con người,… chứ chẳng có tôn giáo nào dạy con người làm bậy, trái đạo làm người. Chỉ có con người làm bậy, muốn khống chế, muốn chiếm hữu, muốn tranh hơn, muốn lợi mình hại người,… không thành liền đổ thừa cho Chúa, Phật, Thánh, Thần không chịu giúp rồi từ đó cho rằng tôn giáo, tín ngưỡng là mê tín. Theo nhà Phật, mê và ngộ chỉ trong nhất niệm. Khi mê là phàm phu. Khi ngộ là Phật. Phật dạy: “Tất cả chúng sinh vốn là Phật”. Ai cũng có thể thành Phật khi phá mê khai ngộ. Và thành Phật không phải để người ta chiêm bái, mà để có điều kiện phổ độ chúng sinh, chỉ đường dẫn lối cho chúng sinh lìa khổ được vui. Với tôi, đây chính là đạo làm người.

Mình phải làm được trước

Nói đến đạo làm người, tôi nhớ lại thời còn học trung học. Ngày ấy, cha tôi dẫn tôi đến bác Chưởng xin học võ. Hồi chưa tản cư, xóm tôi cách xóm bác một con mương xe nước tưới ruộng. Nói như bây giờ là nhà tôi cách nhà bác chừng nửa cây số, nên không xa lạ gì.

Nghe cha tôi nhờ bác dạy tôi dăm ba miếng nghề phòng thân giữa thời buổi loạn ly này. Bác lấy tờ giấy và cây viết chì đọc cho tôi viết: “Phàm sự việc ở đời/ Hợp với lẽ thì tiến/ Trái đạo phải tránh xa/ Đường tà không thể bước/ Dù phòng kín không người/ Tà niệm quyết chẳng khởi/ Phải tích công bồi đức/ Thương yêu cả muôn loài/ Trung thành với tổ quốc/ Hiếu thảo với mẹ cha/ Anh thương và em kính/ Thảy bắt đầu nơi ta/ Mình phải làm được trước/ Mới mong cảm hóa người/ Cô nhi và quả phụ/ Nên cứu giúp yêu thương/ Trên kính bậc lão thành/ Dưới bảo ban trẻ nhỏ/ Thấy côn trùng cây cỏ/ Không tổn hại vô tình/ Thương hại kẻ làm ác/ Mừng thấy người làm lành/ Cứu người khi cấp bách/ Giúp người lúc khó khăn/ Nhìn thấy người thành công/ Vui như mình làm được/ Khi thấy người thất bại/ Mình cũng buồn khác chi/ Không nên bàn khuyết điểm/ Chỗ kém cỏi của người/ Khoe khoang tài năng mình/ Đó là việc nên tránh/ Ngăn chặn người làm ác/ Tuyên dương việc thiện lành/ Phần hơn dành cho người/ Ít riêng mình giữ lấy/ Chịu nhục vẫn không oán/ Được người trọng thì lo/ Thi ân không cầu báo/ Cho người chớ hối tiếc”.

Tối hôm sau, thấy tôi đến, bác bảo tôi đọc cho bác nghe. Nghe xong, bác bắt tôi diễn đạt những câu vần vè ấy thành lời trao đổi bình thường. Nghe tôi diễn đạt xong, bác nói đạo làm người là như thế, phải như thế. Học võ không phải để đánh người, giết người mà là học làm người, giúp người yếu hơn mình, bảo hộ người thân của mình. Mọi chuyện “Thảy bắt đầu nơi ta/ Mình phải làm được trước/ Mới mong cảm hóa người”. Con khuyên người khác gắng học, thì con phải là tấm gương gắng học. Bác khuyên con rèn luyện thể lực, vì bác là tấm gương rèn luyện thể lực, chứ bác yếu hơn con thì làm sao khuyên con được. Bác dạy con học võ, vì bác là võ sư. Nói chung, muốn chỉ bảo người khác làm việc gì, mình phải hơn họ mới chỉ bảo họ được, còn ngược lại thì chỉ nhận lại những nụ cười mỉa mà thôi.

Khi dạy tôi thảo Ngũ hành, bác nói tu luyện thảo Ngũ hành chẳng qua để cường kiện thân thể, đặt nền móng sau này. Học võ không phải để ức hiếp ai, đánh đập ai, nhưng để giúp mình tự tin xóa bỏ được tâm nhu nhược. Người nhu nhược vĩnh viễn không làm nên tích sự gì dù theo văn hay theo võ. Nhưng cần phải nhớ, trước khi “hơn người” cần phải “nên người”.

Tôi hỏi “nên người” là sao? Bác nói những điều bác bắt tôi học thuộc lòng là những lời thánh nhân dạy làm sao để “nên người”, đó là đạo làm người không thể bỏ qua. Muốn thành thánh, thành thần, trước tiên phải thành người.

Bác nói “quyền lực”, tức là quyền phải có lực, nếu không có lực chẳng khác gì dùng tay đuổi ruồi, làm trò cười cho thiên hạ, thậm chí còn hại mình. Bác nói tôi thân thể yếu gầy như cây sậy, nên phải nâng dần thể lực. Bác dạy tôi về nhà đào các ục sâu chừng một vài tấc. Rảnh lúc nào thì bước xuống đó, chụm chân nhảy lên. Nhảy mệt thì nghỉ, nhưng chớ nên uống nước liền dù khát khô cổ. Khi nào thấy nhảy lên dễ dàng thì đào sâu xuống một chút, cứ vậy mà tập. Ngoài ra còn lấy đôi thùng ra giếng, đổ vào mỗi bên chừng vài gàu hoặc ít hơn, rồi tập xách về nhà. Từng bước thêm vào, đến khi nào hai tay xách đầy hai thùng nước co lên duỗi xuống thoải mái tự nhiên là đạt yêu cầu.

Bác nói bác chữ nhứt là một cũng không biết, nhưng nhờ ăn cơm góp mòn răng, nên hiểu rằng luyện võ, luyện văn giống như quá trình trưởng thành của con người. Từ nhỏ đến lớn, theo thời gian dần dần hiểu chuyện, dần dần tích lũy, đó mới là chính đạo. Võ cũng như văn, tự mình lĩnh ngộ mới chính là của mình. Đi ngang về tắt, có thể thấy kết quả trước mắt, nhưng không thấy cái hại lớn hơn về sau. Nếu có loại thuốc làm cho trẻ sơ sinh thoáng chốc tăng trưởng thành người vài ba mươi tuổi, chẳng lẽ thật sự có được suy nghĩ của người vài ba mươi tuổi hay sao?

Thánh hiền nói “dục tốc bất đạt”, nên cố gắng ngày ni tiến bộ hơn ngày trước một chút, mỗi ngày đều có chút tiến bộ, thì cảm ngộ và cơ duyên sẽ tới. Chuyện ni phải tự mình rèn luyện, không ai giúp được. Tới mấy lò rèn để ý từ cục sắt vô dụng biến thành con dao, lưỡi rìu sắc bén ra sao, thì sẽ biết thế nào là rèn luyện. Sợ lửa, sợ trên đe dưới búa, thì cục sắt mãi mãi là cục sắt và sẽ bị người ta ném vô bụi tre, ném vô gốc đa, gốc duối. Nhưng điều quan trọng phải nhớ là bất cứ lĩnh vực nào cũng không có điểm cuối, chỉ có cố gắng, cố gắng để không uổng một kiếp làm người. Nên nhớ, cục sắt đã thành con dao, thành lưỡi rìu rồi cũng phải tiếp tục mài, không mài chỉ là cục sắt có hình dáng vật dụng mà thôi.

Ở đời và làm người

Trải qua thăng trầm của cuộc sống hơn 70 năm, tôi nhớ đến bài thơ Thói đời của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) được học từ thời trung học: “Thế gian biến cải vũng nên đồi/ Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi/ Còn bạc, còn vàng, còn đệ tử/ Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi/ Xưa nay đều trọng người chân thật/ Ai nấy nào ưa kẻ đãi buôi/ Ở thế mới hay người bạc ác/ Giàu thì tìm đến, khó thì lui”.

Biết thế, nhưng ông căn dặn: “Trời sinh, trời ắt đã dành phần/ Tu hãy cho hiền, dạ có nhân/ Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ/ Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần/ Bạo hung chỉn đã gươm mài đá/ Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân/ Chớ có hại nhân mà ích kỷ/ Giấu người, khôn giấu được linh thần” (Có phúc có phần).

Thói đời là thế, nhưng đạo làm người không thể quên. Tôi thích câu “Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ”, và đã thực hiện được mới thành tôi hôm nay.

Bây giờ, mỗi sáng mở các trang báo chính thống, tôi chẳng mấy vui, không biết có phải vì tuổi cao mà nghĩ lung tung chăng? Ngày đó, bác Chưởng còn nói cho tôi biết chó không ăn thịt chó. Ai ăn thịt chó thì khi gặp, nó sẽ sủa, sẽ nhe răng gầm gừ cảnh báo. Ấy mà bây giờ, người Việt lại hại người Việt mình với chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao”, với ma túy cả chục ký, trăm ký chứ không còn là “tép”, là “bi” như tôi từng nghe trước đây.

Chuyện này không phải do tôi tượng tượng. Ngày 20/12/2024, Báo Tiền Phong có bài viết “Từ 5 bao tải ma túy để ven đường sân vận động Mỹ Đình, Bộ Công an phá chuyên án 522H”. Bài báo này cho biết “Đến nay, C04 đã bắt giữ 10 đối tượng, thu giữ tổng số 211 kg ma túy tổng hợp và nhiều đồ vật, tài liệu liên quan”. Cũng trong ngày 20/12/2024, Báo Người Lao Động cho biết thêm: “Tại cuộc họp, C04 cho biết trong 11 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát điều tra toàn quốc đã đấu tranh, khám phá hơn 28.700 vụ, bắt giữ hơn 48.000 đối tượng về ma túy. Cảnh sát thu giữ 645 kg heroin, 1,5 tấn cần sa, 115 khẩu súng cùng nhiều đạn. Riêng C04 đã đấu tranh 84 vụ, bắt giữ 358 đối tượng, thu giữ 190 kg heroin, 850 kg và hơn 640.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí quân dụng và tài sản”.

Sao thế nhỉ? Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người chỉ rõ: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng nữa là cả loài người”. Người còn nói: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Tố Hữu cũng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”.

Qua 4 giới trọng của Phật dạy, cùng những bài học được trải nghiệm, tôi mong những người vào đời mỗi ngày dành một chút thời gian nghĩ về “vấn đề ở đời và làm người” để đất nước có những bước đột phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi