Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

PHÚC LÂM TỰ BÀI – 福 林 寺 牌

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH – PHÁT TRIỂN CHÙA PHÚC LÂM (1956 – 2025)

 

QUẦN ANH

 

Chùa Phúc Lâm – Biên Hòa thuộc Miền Vĩnh Nghiêm, nay là Hệ phái Phật giáo Tổ đình Vĩnh Nghiêm (Thành phố Hồ Chí Minh). Sư Tổ sáng lập Chùa Phúc Lâm – Biên Hòa là cố Hòa thượng Thích Phúc Thành. Ngài sinh năm Canh Thân (1920) tại thôn Quần Phương (nay là Quần Anh), xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.

Năm 1954, cố Hòa thượng vân du Nam Việt nhằm xiển dương truyền thống văn hóa Phật giáo Bắc Việt. Năm 1956, Ngài thành lập một ngôi chùa với danh xưng Phúc Lâm, là tên ngôi chùa Ngài xuất gia, dân gian gọi là Chùa Lương tọa lạc tại Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định, để tưởng nhớ về cội nguồn quê cha đất tổ và để làm nơi quy hướng tâm linh của các Phật tử miền Bắc định cư ở Biên Hòa. Giai đoạn 1964 – 1966, Sư Tổ Thích Phúc Thành tiến hành xây dựng Chính điện bằng vật liệu bê tông cốt thép, diện tích 18m x 12m, mang phong cách kiến trúc Phật giáo miền Bắc.

Giai đoạn 1975 – 1990, Chùa Phúc Lâm được trưng dụng phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. Năm 1990, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai quyết định giao lại Chùa Phúc Lâm cho Ban Đại diện Phật tử ở phường Tân Tiến quản lý, sử dụng vào mục đích thuần túy tôn giáo. Năm 1991, Thường trực Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai bổ nhiệm Đại đức Thích Phước Tú, thế danh Hồ Dũng Minh Tuấn, làm đệ nhị trụ trì Chùa Phúc Lâm.

Vu Lan năm Bính Tý (1996), chiếu theo tâm nguyện của Đại đức Thích Phước Tú và nguyện vọng thỉnh sư của Ban hộ tự, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm, Trưởng Hệ phái Phật giáo Tổ đình Vĩnh Nghiêm, đã công cử Đại đức Thích Minh Trí, thế danh Nguyễn Minh Tân, sinh năm 1970, quê quán Hải Phòng, kế thế đệ tam trụ trì Chùa Phúc Lâm.

Trước cảnh Chùa Phúc Lâm vào thời điểm ấy đã trở nên điêu tàn, Phật sự trì trệ, nhân tâm ly tán, sáng chiều không một bóng người lui tới, các ngày lễ sóc vọng chỉ vài Phật tử tham dự, ngân quỹ chùa bị thâm hụt nặng nề, Đại đức Thích Minh Trí quỳ trước Tam bảo Phúc Lâm phát thệ nguyện:

“Nếu có nhân duyên trụ trì, con sẽ chấn hưng, xây dựng chùa này theo đúng di nguyện của Sư Tổ khai sơn Thích Phúc Thành ghi trên câu đối treo trong Chính điện. Đó là:

‘Vì Đạo Pháp huyền thâm, Bắc phái biến nền đất thành tòa đài vàng, chúng sinh nương nhờ cửa Phật, tâm quy hướng Phật yên vui mãn nguyện.

Cõi trời Nam thắng cảnh Phúc Lâm rừng phúc đức uy thần hiển hiện, Phật giáo đồ tín ngưỡng pháp môn cùng ca hát vui mừng tụ hội’”.

Năm Mậu Dần (1998), Đại đức đệ tam trụ trì Chùa Phúc Lâm xây dựng Tháp Quần Phương để phụng thờ tro cốt và tưởng niệm công đức Sư Tổ khai sơn Thích Phúc Thành. Năm Kỷ Mão (1999), sửa chữa khu nhà Tây đường thành Linh Cốt đường, Ký Linh đường để thờ cúng chân linh các Phật tử hữu công của chùa.

Giai đoạn 2003 – 2006, hưng công trùng tu Đại Hùng Điện, tân tạo cổng Tam quan, khởi công điêu khắc 26 tôn tượng bằng gỗ Mít ta: Phật Tam Thế, Phật Thích-ca, Phật A-di-đà, Phật Thích-ca đản sinh (tòa cửu long), Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền, Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Thế Chí, Bồ-tát Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, đức Chúa Ông, đức Thánh Hiền, Bát Bộ Kim Cương, Hộ Pháp, Hộ Pháp Vi Đà, Bồ tát Quán Thế Âm 11 mặt 36 tay, đúc tượng Quán Âm đứng và lư hương bằng đồng thau, đồng thời chạm trổ hoành phi đại tự, câu đối, cửa võng, cuốn thư, viên dung, bàn hương án, giá gác đại hồng chung, giá trống, khám thờ, bệ thờ, bệ tượng v.v trang trí bên trong Chính điện và cổng Tam quan.

Tháng Giêng năm Quý Mão (2023), chùa khởi công trùng tu, xây dựng các hạng mục: 1/ Bằng gỗ Lim: Tây Phương điện, Hộ Quốc Từ và Đại Bi Đình; 2/ Bằng bê tông cốt thép: Chính điện và Tam quan (trùng tu), Tháp Dược Sư, La Hán Đường, Phụng Tổ Đường, Giảng Đường, Linh Cốt Đường, Ký Linh Đường, Trai Đường, Tăng Phòng, Nhà Bếp, Nhà Kho, Nhà Vệ Sinh Tập Thể; 3/ Bằng đá xanh đen: Tháp Quần Phương; 4/ Điêu khắc 36 tôn tượng bằng gỗ Mít ta: Phật Di Đà, Bồ-tát Quán Âm, Bồ-tát Địa Tạng, 07 Phật Dược Sư, 18 vị A-la-hán, Tam Tổ Trúc Lâm, Đức Quốc Tổ Hùng Vương, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Tam Tòa Thánh Mẫu và 01 tượng Phật Di Lặc bằng đá cẩm thạch; 5/ Chạm trổ hoa văn gỗ sơn son thếp vàng gồm hoành phi đại tự, câu đối, cửa võng, cuốn thư, bàn hương án, khám thờ, bệ tượng v.v để trang trí bên trong các hạng mục thờ tự xây mới.

Tháng 06 năm Ất Tỵ (2025), tâm nguyện trùng tu, xây dựng Chùa Phúc Lâm của Thượng tọa Thích Minh Trí đã hoàn thành viên mãn sau 20 năm “cần kiệm – suy tư – chờ đợi” với sự chuẩn bị chu đáo từ việc mua đất mở rộng diện tích chùa phía sau Chính điện năm 2013 đến việc dành dụm kinh phí xây dựng, quy hoạch kiến trúc tổng thể, tuyển dụng nghệ nhân ở miền Bắc, thợ xây ở miền Nam thi công công trình, v.v.

Ngày nay, Chùa Phúc Lâm là một trong những ngôi chùa tiêu biểu nhất của thành phố Biên Hòa, in đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc và phong cách kiến trúc truyền thống Phật giáo Bắc Bộ. Mỗi dịp lễ tết, hàng ngàn Phật tử, nhất là Phật tử người Bắc, từ khắp thành phố Biên Hòa hội tụ về Chùa Phúc Lâm dâng hương lễ Phật với cảm giác như đang sống trên quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn, chiếc nôi Phật giáo Việt Nam.

* Tháng Giêng năm Ất Tỵ (2025), Thượng tọa THÍCH MINH TRÍ,
đệ tam trụ trì Chùa Phúc Lâm kính soạn để khắc trên bia đá lưu lại đời sau được biết.

 

Chùa Phúc Lâm trước khi trùng tu

 

 

Chùa Phúc Lâm hiện tại

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi