Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

ĐỊA NÀNG – CHẶP BÓNG TUỒNG ĐỘC ĐÁO

TRONG KHO TÀNG VĂN NGHỆ DÂN GIAN NAM BỘ

LÊ HẢI ĐĂNG

 

Chặp bóng tuồng Địa – Nàng là một trong các phần của Bóng rỗi.
Hình ảnh 2 nghệ sĩ Lê Khanh (Địa) và Ngọc Hiếu (Nàng) tại miếu Dạ Thiên Trường TP. HCM

 

Địa Nàng là một tiết mục trong loại hình diễn xướng tổng hợp có chức năng thực hành nghi lễ hát Bóng rỗi. Vở tuồng độc đáo này chỉ có hai nhân vật “Địa” và “Nàng” với những tình tiết xoay quanh câu chuyện: Nàng – thiên sứ nhà trời vâng lệnh Vương Mẫu xuống trần gian tìm cây huê giếng nước hái lộc ban phước. Vì không thạo đường, Nàng phải nhờ Địa, một quan chức địa phương dẫn đường. Trên con đường Địa đưa Nàng tới “cây huê giếng nước” đã xảy ra nhiều tình huống éo le, phức tạp, từ đó tạo nên sức hấp dẫn của vở tuồng.

Xét về nguồn gốc, không có một tư liệu nào chỉ ra xuất xứ vở tuồng này. Theo môi trường trình diễn của nó là ngôi miễu cùng với cơ sở tín ngưỡng nữ thần và loại hình nghệ thuật hát Bóng rỗi đoán định rằng, chặp bóng tuồng Địa Nàng có thể xuất hiện cuối thế kỷ XVIII! Ông Địa xuất hiện trong nhiều môi trường văn hóa dân gian Nam Bộ, từ đình, miếu cho đến các loại hình múa lốt (lân, sư)… Xuyên suốt môi trường văn hóa này, Ông Địa có bộ dạng, tính cách dễ nhận biết, như bụng bự, nụ cười hoan hỷ trên môi, tay thường cầm chiếc quạt “phe phẩy”… Qua vài nét chấm phá có thể khắc họa chân dung, tính cách đặc trưng hình tượng Ông Địa.

Trong chặp bóng tuồng Địa Nàng, Địa là nhân vật chính, nhưng lại tự chĩa mũi nhọn phê phán vào bản thân.

Địa rằng:

“Khi trước tôi là người có học

Tánh trù trừ trụm trịnh không lo

Trên lịnh Bà ban sắc chữ Nho

Địa ngó vô như rừng rậm…”

Tự trào là một tính cách đặc trưng ở Địa, góp phần đưa đẩy người xem từ trạng thái vui đùa, dí dỏm đến thỏa mãn nhu cầu hạ bệ vị quan lại địa phương. Xét về tầng biểu ý, Địa (đất – thổ) là một trong năm yếu tố thuộc Ngũ hành, cùng với nước (thủy) làm nên hai thành tố quan trọng trong hoạt động nông nghiệp. Để chinh phục đất, con người cũng phải khám phá những nguyên tắc ẩn giấu trong lòng thực thể này. Ở chặp bóng tuồng Địa – Nàng, Nàng đã phải phát huy khả năng ứng biến linh hoạt, dùng lời hay ý đẹp dụ dỗ, thậm chí mua chuộc Địa – đất nhằm đạt mục đích “ban phước cho dân”. Những biểu hiện “quan liêu”, “hợm hĩnh”, “vòi vĩnh”, “tham lam”… của Địa phơi bày nhiều tình huống “dở khóc dở cười”. Đương lúc tác nghiệp, Địa lăn ra ăn vạ, rồi rên la đòi đẻ:

“Đỡ giùm tôi cái chị ơi

Thằng nhỏ nó đạp trong mình tôi…

Nàng: Nào tôi dám đỡ mô ông Địa

Địa: Chị chạy xuống chợ rước giùm tôi bảy tám chục bà mụ”

Tình tiết này sau khi đẩy lên đến cao trào, Địa lại hạ giọng:

“Địa sanh sanh hóa hóa để phước đức lại cho thế gian. Chớ Địa đực đẻ củi dòn, đá trái chớ đẻ gì”.

Mặc dù là một quan chức nhỏ tại địa phương, nhưng Địa cũng biết thu vén, lo lót cho mình. Bộ mặt trần trụi của Địa thể hiện qua hành vi tham ăn, khoe khoang, khoác lác… nói chung khá trơ trẽn và đầy chất thế tục.

“Nàng: Lịnh bà sai chị em tôi xuống cậy ông xuống giếng tiên gánh nước.

Địa: Chị không vô chùa cậy anh hai Di?

Nàng: Di nào?

Địa: Di lạc.

Nàng: Lạc bậy, lạc bạ xuống cầu Ông Lãnh.

Nàng: Nam mô sá cà là Phật.

Địa: Nam mô con gà ác đá trên đầu chị.

Địa: Nam mô Phật đồng, Phật tổ, Phật gỗ, Phật lồi… cho Địa trúng một mồi ám tả…”.

Địa trong Địa – Nàng có thể liên tưởng đến nhân vật hề trong Chèo Bắc Bộ. Hề có hai loại, hề áo ngắn và hề áo dài. Hề áo dài thuộc loại quan chức tham lam, ngu dốt, còn hề áo ngắn xuất thân tầng lớp bình dân, thông minh, láu lỉnh. Tuồng hài thường có bố cục ít nhân vật, không phức tạp như tuồng pho. Tính chất ước lệ bảo lưu tần suất vừa phải, không đến mức cứng nhắc, đòi hỏi tuân thủ quy tắc nghiêm ngặt. Bởi vậy, lối diễn tuồng hài thiên về phong cách tự nhiên. Tính chất này thể hiện đầy đủ ở chặp bóng tuồng Địa Nàng, những màn đối đáp bông lơn giữa hai nhân vật rất tự nhiên, đời thường.

“Địa: Chị nấu chè gì đó chị?

Nàng: Chè bột bán

Địa: Cho Địa xán một miếng.

Chị nấu với nếp gì đó chị?

Nàng: Nếp phụng.

Địa: Cho Địa xụng một miếng”

Trên nguyên tắc tổng hợp ca múa nhạc, trò diễn, nghệ thuật diễn xuất ở tuồng Địa Nàng chủ yếu khai thác khả năng ứng tác tại chỗ của diễn viên. Thủ pháp này vừa kế thừa nghệ thuật tổng hợp truyền thống, vừa tích hợp yếu tố mới từ các loại hình nghệ thuật dân gian, như nói thơ, nói lối, ngâm thơ, hát nam, đối đáp… Trong nhiều trường hợp, màn đối đáp giữa hai nhân vật Địa và Nàng khiến người ta liên tưởng đến nghệ thuật tấu hài.

Chặp bóng tuồng Địa Nàng gắn với không gian thờ tự của ngôi miễu. Cùng với sự phát triển của loại hình nghệ thuật tổng hợp hát Bóng rỗi, chặp bóng tuồng Địa Nàng có thể đã thịnh hành vào cuối thế kỷ XVIII. Có một điều thú vị rằng, từ châu Âu đến châu Á, từ Việt Nam sang Trung Quốc, thế kỷ XVIII- XIX chứng kiến sự ra đời của nghệ thuật hài kịch. Ở châu Âu, sau khi Opera seria (ca kịch nghiêm túc) đạt đến giai đoạn cực thịnh đã tạo điều kiện hay sơ hở cho Opera Comique (hài kịch) bước lên sân khấu, tạo nên thế cạnh tranh, rồi lấn chiếm địa vị, vai trò của mình, đặc biệt khi thị hiếu khán thính giả đã trở nên mệt mỏi. Ca kịch nghiêm túc tụt dốc nhanh chóng, không còn cơ hội trở lại thời kỳ hoàng kim kéo dài suốt mấy thế kỷ. Mặt khác, nhìn lại lịch sử thấy rằng, bản chất hài hước, đùa giỡn, tính chất dí dỏm, bỡn cợt, sử dụng tiếng cười chĩa vào các hiện tượng xã hội… vốn là bản chất của nghệ thuật tuồng mà tiếng Hán gọi là Hý (戲). Nghệ thuật tuồng hài thực sự suy yếu trước tác động, trấn áp của nhà cầm quyền. Họ sử dụng quyền uy thông qua việc ban hành chính sách, nguyên tắc, cũng như triển khai công tác “di phong di tục” nhằm hạn chế sự phát triển quá lạm của hài kịch. Khi cán cân quyền lực ấy bị nghiêng, hài kịch trỗi dậy. Trong quá khứ, tuồng hài với biện pháp ca vũ từng đóng vai trò chủ đạo trong tay các cô đồng, bà bóng (vu sư). Bấy giờ, tuồng dùng để mua vui, giải trí cho thần linh. Theo tự hình chữ Hán, vu (巫) nhằm chỉ nhóm đối tượng làm nhiệm vụ giao tiếp với thế giới vô hình. Công cụ giao tiếp của họ chính là âm nhạc, múa và nghi lễ. Ở tiếng Việt, bóng là một danh từ nhằm chỉ nhóm đối tượng làm công việc phụng sự thần linh, chủ yếu là nữ thần, từ tín ngưỡng Tam tòa Tứ phủ Bắc, Trung Bộ cho đến tín ngưỡng Nữ thần Nam Bộ. Qua đó cho thấy bóng, vu, đồng, cốt… là những danh từ mà đối tượng của nó đều nằm ngoài thực thể. Bóng giống như hình ảnh phản chiếu của một thực thể. Vu giao tiếp với cõi vô hình. Cả Vu, Bóng đều giống nhau ở tính phi thực tại nhằm vươn tới cảnh giới thiêng – liên thông giữa thân – tâm – linh.

Hình ảnh Địa đã thoát thai từ những đặc trưng vừa phồn thực, vừa siêu thoát! Chiếc bụng bự xem ra chính là “bản lai diện mục” của Địa nhằm tượng trưng cho khả năng sinh sản, từ của cải vật chất cho đến niềm tin về sự giàu có, như vị Thần Tài vốn phái sinh từ Địa theo quan niệm thổ sinh kim trong Ngũ hành. Trên tay Địa lúc nào cũng phe phẩy chiếc quạt, dù hiểu theo giá trị biểu trưng hay công lợi, cho thấy Địa chỉ là một chức quan nhỏ, chẳng có tôi tớ, kẻ hầu người hạ, Địa phải tự làm mát cho mình qua nhiều chiêu trò hợm hĩnh. Địa giăng đủ trò ma mãnh với Nàng nhằm vòi vĩnh, “bôi trơn”, một phương thức phổ biến trong xã hội hiện đại. Địa Nàng đã ra từ sân khấu truyền thống đi vào phim ảnh, nhiều loại hình nghệ thuật mới. Đâu đó trong cuộc sống thấy thấp thoáng hình bóng Ông Địa với bộ dạng hoan hỷ, nụ cười thường trực trên môi. Đây là đặc sản trong văn hóa dân gian Nam Bộ. Trên cảnh giới “vô phân biệt”, Địa – Nàng làm lên vạch nối liên thông giữa cõi thiêng và cõi phàm, giữa trần thế và cảnh giới thoát tục. Bởi vậy, trong không gian linh thiêng của ngôi miễu hay dưới ánh đèn kỳ ảo của sân khấu, Địa Nàng vẫn nghiêng mình soi bóng thời gian.

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi