ĂN UỐNG TRONG CHÁNH NIỆM
Bác sĩ NGUYỄN MINH ĐĂNG
Một buổi thọ trai của chư Tăng
Trong đời sống cá nhân của mỗi người, của nhiều gia đình, phần đông ăn uống theo thói quen lặp đi lặp lại của nhịp đồng hồ sinh học: Cứ đúng giờ lại ăn. Nhiều khi ăn là sự mách bảo của cơ thể theo một giờ sinh học nhất định tới mức máy móc. Đặc biệt trong cuộc sống của thời đại 4.0, cuộc sống của thức ăn nhanh, của sự vội vàng ăn cho kịp giờ làm, của sự tiện lợi foodshipper…; mấy ai tự lắng xuống, nghe cơ thể mách bảo: Ta ăn nhằm mục đích gì? Ta cần ăn những gì? Phải chăng sự chọn lựa thức ăn, cách ăn, nơi ăn của ta chỉ đơn thuần xuất phát từ sự tiện lợi trong sinh hoạt, mang lại sự ngon ngọt nơi đầu môi chót lưỡi; trong khi lẽ ra ăn là nhằm cung cấp cho cơ thể chúng ta nguồn dinh dưỡng bổ ích để chuyển hóa thành nguồn năng lượng thuần khiết nuôi dưỡng thân tâm!
Vừa qua, tôi được tham gia tu tập khóa thiền tập tại “Đại Tùng Lâm Hoa Sen”. Khóa tu tập đã để lại cho tôi nhiều suy ngẫm: Chúng ta ăn để làm gì? Lâu nay, chúng ta ăn có mang lại cho thân ta được khỏe không? Cách ăn của chúng ta lâu nay có được an toàn, có đảm bảo cho sức khỏe chúng ta không? Ăn như thế có làm tâm ta an lạc không?… Vẫn biết ăn uống là một nhu cầu cơ bản của sự sống, nhưng chúng ta ăn uống như thế nào để chẳng những nuôi dưỡng, duy trì và phát triển thể chất mà còn làm thăng hoa tinh thần, mang lại nhiều sự lợi lạc cho cả thân và tâm là vấn đề chúng ta cần lưu tâm.
Từ xưa tới nay, thời nào con người cũng cứ tất bật, mải miết săn tìm những món ngon, vật lạ để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, sở thích ăn uống. Nhiều lúc để đáp ứng với những sở thích, những nhu cầu ấy, chúng ta phải trả nhiều tiền, phải trả bằng sự hy sinh thân mạng của những con vật vô tội, phải trả bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt của bản thân và những người khác. Nhưng rồi, khi ăn vì những sở thích đó có mang lại sự thực dưỡng trọn vẹn hay chỉ thỏa mãn những sở thích nhất thời, đem lại nhiều sự nguy hại cho sức khỏe hiện tại và mai sau, tạo nên nhiều ác nghiệp mà chúng ta chưa lường hết được. Như trong kinh Pháp cú, câu 119, Đức Phật dạy:
Người ác thấy là hiền
Khi ác chưa chín muồi
Khi ác nghiệp chín muồi
Người ác mới thấy ác.
Ăn uống thiếu sự tiết chế đã làm cho cơ thể tốn rất nhiều năng lượng để tiêu hóa. Sau ăn vào làm cho cơ thể không khỏe mà còn mệt mỏi hơn và nguy cơ gây ra nhiều bệnh. Ăn vậy khác gì tự tàn phá chính mình? Chúng ta đã biết, mắc mỡ máu cao chiếm gần 30% dân số, trong đó hơn 50% người trưởng thành có các chỉ số mỡ máu vượt ngưỡng. Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh chóng, hiện bệnh đái tháo đường chiếm 7,3%, tiền đái tháo đường chiếm hơn 17% dân số, đái tháo đường type 2 đang ngày càng trẻ hóa,… Các bệnh này đến từ đâu? Đến từ các thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày, đến từ cách chúng ta ăn không được kiểm soát, chúng ta ăn theo một thói quen, cảm xúc và xu hướng thay vì thực sự lắng nghe cơ thể. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, từ tăng mỡ máu, béo phì, tiểu đường, tim mạch cho đến các rối loạn tiêu hóa. Chúng ta đang ăn mà tâm trí chúng ta đang chạy vào các trào lưu của xã hội. Chúng ta mượn bữa ăn để giải quyết các vấn đề trong công việc thường ngày,… như thế thì “chúng ta ăn đâu phải để mà ăn”!
Mặt khác, với người Việt Nam nói riêng và người Châu Á nói chung, ẩm thực không chỉ là những món ăn, thức uống, công thức chế biến mà là một nền văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Nó là một nền văn hóa ăn uống của một cộng đồng, một vùng miền, một dân tộc. Không chỉ là văn hóa vật chất mà còn là văn hóa tinh thần. Nhưng cách ăn uống của chúng ta hiện nay không chỉ phá hủy nhiều giá trị tốt đẹp trong văn hóa ẩm thực mà còn mang lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là bệnh nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) – một loại vi khuẩn gây viêm dạ dày, nguy cơ gây ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu gần đây, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trong dân số chiếm 70-80% (tại Hà Nội), tại TP Hồ Chí Minh số người bị viêm dạ dày có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP trên 90%. Các bệnh lý do nhiễm vi khuẩn HP ngày nay rất phổ biến. Đây là một bệnh lây lan theo đường tiêu hóa.
Từ thời Đức Phật còn trụ thế, Tăng đoàn có được thức ăn là đi khất thực. Chư Tăng đi khất thực chỉ nhận lượng thức ăn đủ dùng trong một bữa. Khi thọ trai, mỗi thầy dùng một bình bát riêng và ăn trong chánh niệm: Ăn chậm, nhai kỹ để thọ nhận đầy đủ hương vị, mùi vị của thức ăn. Hiện nay, ở các chùa, tu viện, học viện, chư Tăng Ni luôn duy trì nếp sinh hoạt văn hóa đẹp và khoa học trong khi ăn: Không xem tivi, không dùng điện thoại, không làm việc riêng, nói chuyện riêng; luôn lắng nghe cơ thể – nhận biết được đói và no để ăn vừa đủ, không ăn theo thói quen hoặc cảm xúc. Quý thầy luôn tôn trọng thực phẩm: Nhận thức về nguồn gốc thực phẩm, thể hiện sự biết ơn đối với thực phẩm và người làm ra thực phẩm. Còn chúng ta ngày nay, cả nhà quây quần nhau bên một mâm cơm, mỗi người một cái chén, một đôi đũa, dùng chung một đĩa thức ăn. Khi ăn đôi đũa này vừa lấy thức ăn, vừa đưa thức ăn vào miệng. Đây là nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chúng ta. Trong khóa tu, bản thân tôi nhận thấy quý thầy ăn uống sao mà trang nghiêm, sao mà khoa học.
Nếu thực hành theo cách ăn uống của quý thầy thì chúng ta không chỉ đề phòng được rất nhiều bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa mà chúng ta đã giúp cho sự hấp thu các dưỡng chất trong thức ăn được trọn vẹn. Khi ấy ăn uống không chỉ nuôi dưỡng cho thân khỏe mạnh mà còn giúp cho tâm được bình an. Quý thầy cùng quây quần nhau bên một mâm cơm, nhưng mỗi người một cái muỗng, một đôi đũa, một cái đĩa và một cái chén riêng biệt. Đôi đũa để lấy thức ăn cho vào đĩa, cái đĩa để đựng thức ăn, cái muỗng để cho thức ăn vào miệng, cái chén để ăn canh.
Quý thầy luôn rửa tay sạch sẽ trước khi ngồi vào bàn ăn, luôn giữ chánh niệm khi thọ thức ăn, luôn cẩn thận, gọn gàng, nhẹ nhàng và khéo léo trong từng động tác. Tư thế thầy ngồi ăn trông oai nghi, thư thái. Bị cuốn theo sự hối hả của xã hội, chúng ta cứ cặm cụi làm ra của cải vật chất, mấy ai để ý đến cách ăn thế nào cho đẹp, cho oai nghi. Không ít người xem thường cách ăn uống, miễn ăn như thế nào cho no bụng mà thôi, cứ đói là ăn, khát là uống một cách bản năng, thậm chí không bao giờ để ý về giờ giấc ăn uống.
Khi lấy cơm, quý thầy thọ cơm vừa bát, không ém cơm, không cơi ngọn, không xin thêm; ít khi với tay xa để lấy thức ăn, phần lớn quý thầy ăn các thức ăn ở gần,… Sự đĩnh đạc, chừng mực trong thao tác lấy cơm đã toát lên tư tưởng ly tham, thể hiện mỹ cảm trong ăn uống.
Khi ăn, quý thầy ăn trong chánh niệm, nhất tâm nơi bát ăn của mình; ăn trong sự trang nghiêm, thanh tịnh; ăn trong thinh lặng để lắng nghe cái hương vị, cái tinh túy của món ăn; ăn mà lòng thầm biết ơn bao nhiêu công sức của người đã làm ra thức ăn, ăn là để sống mà tu tập; ăn trong sự hân hoan của các tế bào trong cơ thể cần cung cấp nguồn dưỡng chất trong lành.
Ẩm thực là gánh nặng, là nỗi lo với lớp người nghèo khó, nhưng lại là phương tiện thể hiện, hưởng thụ của tầng lớp khá giả, giàu sang. Đứng đầu trong “tứ khoái”, ăn uống có sức cám dỗ như anh chồng mẫu mực trên đường đi đón vợ đã thoáng xao lòng một nhan sắc ngược chiều. Buông bỏ hay chấp nhận trả giá? Thuở cha ông ta còn nghèo thì nhóm các bệnh lý trên đâu có tồn tại. Tới khi nền kinh tế xã hội có sự chuyển biến khá, thì các bệnh lý của thừa chất, của lây truyền qua đường tiêu hóa luôn rình rập, đe dọa – không loại trừ ai. Do vậy, không chỉ tỉnh táo chọn lọc trong ẩm thực, chúng ta còn phải tích cực, tinh tấn tu tập và thực hành chánh niệm trong ăn uống, để thức ăn vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cơ thể vừa nuôi dưỡng thân tâm chúng ta luôn an lạc.
Đâu đơn giản ăn như là ăn thôi, phải không bạn đồng tu?