Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

CÚNG DƯỜNG MÙA PHẬT ĐẢN

 

HUỲNH DŨNG

 

 

Mưa đã dứt.

Vừa mới sáng.

Bên trên khung cửa sổ, trời xanh dìu dịu.

Cả những búp non mơn mởn còn đọng giọt mưa đêm. Cả mặt hồ màu xanh lá run gờn gợn như làn da đài các quen ủ kín trong lụa là, giờ đột nhiên hứng phải làn gió lạnh đầu mùa. Cả tiếng ếch gọi nhau chộn rộn từ mấy lùm tre. Cả tiếng ríu ra ríu rít như lần đầu biết hót của lũ chim non ở bìa rào… Cảnh vườn chùa làm lòng người êm dịu lạ.

Trụ trì chùa – Đại đức Bảo Phúc đón tôi với nụ cười xởi lởi:

– Dạ mời thầy…

Vào thiền phòng, tôi nâng tách trà, áy náy:

– Nay đã 12 âm, là tổng đạo diễn đại lễ Phật đản ở ngôi chùa to giữa lòng thủ đô – thầy quá bận – sao lại mời tôi lúc này?

Giọng Bảo Phúc chùng xuống, ngùi ngùi:

– Má trò từ quê Bình Định mới ra chiều qua. Nhớ bố quá nên trò muốn được gặp thầy.

Bố Bảo Phúc mất đã nhiều năm, cũng vào mùa Phật đản.

Tôi từng gặp ông bố đó đôi lần, nhưng không thân nên chẳng nhớ mấy. Những gì tôi biết đều do Bảo Phúc kể…

Thỉnh thoảng cũng có, nhưng hiếm khi Bảo Phúc nói với tôi kiểu như: Trò thương bố, nhớ bố lắm. Chỉ kể chuyện! Mỗi lần gặp, thêm một chuyện. Những lời kể đong đầy kỉ niệm, những kí ức đã lâu rồi nhưng không bao giờ thành chuyện cũ là nỗi niềm thường trực da diết về người cha.

Bố con Bảo Phúc giống nhau như hai giọt nước và hiền lành như hai giọt nước. Những năm 79 – 80 của thế kỉ trước, chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, ông ra trận, tham gia chiến trường Campuchia.

Qua nước bạn, hàng ngày chứng kiến cảnh bom rơi đạn lạc, đồng đội gục ngã sát chân, chính mình bốn lần bị thương… nên ông được chuyển về nước. Thuộc diện thương binh nặng, sau bao thủ tục nhọc nhằn, cuối cùng ông về quê, nhận công tác ở huyện đội.

Trong nhiều chuyện nghe bố kể quanh mâm cơm gia đình về những tháng ngày giáp mặt với cái chết ở đất nước Angko thì câu chuyện sâu sắc, thấm thía tới mức ám ảnh cả đời Bảo Phúc là chuyện bới cơm.

– Những suất cơm thường không đủ cho đại đội hơn 100 người. Miếng ăn lúc này tựa như cái chăn đắp chung của hai người lính: kẻ này co thì người kia hở! Là đại đội trưởng đứng đầu đơn vị nên bố được ưu tiên nhận cơm trước. Nhưng bố không bới nhiều, bởi mình lấy nhiều thì những người sau sẽ thiếu; chỉ nên lấy vừa phải. Ăn thật chậm để nếu ai không còn cơm thì mình sớt bớt cho họ.

– Chiến sự ác liệt, ngày nào cũng có người hy sinh, chưa kịp bổ sung biên chế nên quân số đại đội cứ giảm dần. Ít người hơn thì cơm thừa ra. Ban đầu những chàng lính trẻ nông nổi bồng bột vui vì được ăn no hơn sau thời gian dài thiếu đói. Nhưng ngày một ngày hai, khi nhìn hàng người nhận cơm cứ thưa dần thì tim nghe nhói buốt vì sự thật đau lòng: Bát cơm của mình đầy hơn vì đó là phần cơm cúng của đồng đội vừa nằm xuống!

***

Một trong những gian khổ nhất của người lính tình nguyện Việt Nam là cơn khát. Trên chốt toàn đá; vũ khí nhiều, còn lương thực và nước uống bao giờ cũng thiếu. Đào xuống đất, chỉ có bùn. Anh em phải bò vào vườn chuối chặt thân chuối nhai đỡ khát. Nhưng vườn chuối cũng đầy mìn. Súng nổ liên hồi. Bầy thú hoang hoảng sợ bỏ đi hết.

Bộ đội thay nhau đào bới cố tìm nước. Chỉ thấy toàn lá mục với bùn đen bốc mùi chua loét. Chặt cây chuối non, tước bỏ lớp ngoài, cắt lát nhai cho hạ cơn khát nước. Chuối rừng tuy chín, nhưng cứng như đá.

Vào chiến dịch, nhiều khi chỉ ăn bo bo, ăn ngô. Hộp thịt quân dụng 350 g cho vào nồi quân dụng đầy nước, nấu loãng ra, chia cho hơn 50 người. Ai may mắn hớt được tí váng mỡ lềnh bềnh. Ngày bố sốt rét ở Anlung Viêng, anh Lâm – trợ lý tác chiến đã đi mấy chục cây số, tìm được ít lá bèo tây (bèo lục bình), về xào cho thủ trưởng ăn, gọi là có chất tươi. Gắp miếng rau, hệt mùi cám lợn, nhưng bố vẫn tỏ ra ngon miệng vì để có mớ rau đó, anh Lâm suýt đổi cả tính mạng của mình.

Có lần bố cùng hai người lính vào rừng tìm chút “thức ăn xanh” cải thiện cho đơn vị. Rừng khô khốc. Hơi nóng của mặt trời và của mặt đất phả ra nóng rực. Chim chóc cũng trốn biệt vì sợ bom đạn. Bầu trời cũng ảm đạm buồn bã. Dẫm lên lá cây kêu xào xạc, đến một đầm lầy nước lờ lợ, họ thấy đàn trâu dăm bảy con đang đầm dưới bùn, có đám rau muống hoang sót lại. Dân Khmer không ăn rau muống. Mừng hơn lượm được vàng, hai anh em bòn bằng hết chỗ rau muống, về nhà, thái nhỏ, nấu canh…

Có vài buổi sáng hiếm hoi, trời yên tĩnh. Lính ta rời hầm trú ẩn chui lên mặt đất. Xung quanh vừa qua mấy trận bom. Đất bị cày tơi tả. Cây cối đổ khắp nơi. Nhiều cây cụt ngọn. Không cây nào còn một cành ngang. Đạn pháo cắt cụt hết. Thân cây sứt sẹo mảnh đạn, rách tươm. Và người lính nhìn lại mình cũng thế. Quần áo tơi tả. Đầu tóc bù xù, ghẻ lở, mụn nhọt đầy mình. Tất cả anh em đều vậy.

Bầu trời đầy mây xám. Không gian xơ xác, sặc mùi thuốc súng.

Mọi người đều ngóng đợi những cơn mưa.

Mưa lớn sẽ làm cho quang cảnh nơi đây trông ít đau thương hơn.

Mưa sẽ băng những vết thương cho cây cối, làm lành những vết thương trên mặt đất bị cày xới bởi bom, mìn.

Bố nhớ nhất trận đại đội bị vây ở Ratanakiri (Đông Bắc Campuchia). Suốt buổi trưa ngày rằm tháng Tư, thực hiện nhiệm vụ trong căng thẳng từng phút từng giây giữa lòng địch; đối diện với cái chết rình rập, bủa vây, không biết ập tới lúc nào; Bố lệnh cho đại đội tạm dừng chân nghỉ ngơi một lát. Đuối quá, Bố chợp mắt. Trong giấc ngủ ngắn, chập chờn giữa chiến trường, chợt sáng lòa bóng một vị sư hiện ra, lay vai Bố: “Dậy! Dậy đi con! Giặc đang tràn xuống”. Trong tâm thức mộng mị, bố choàng dậy, chụp vội khẩu súng, vừa lúc đó dồn dập hàng loạt tiếng nổ B40, B41, AK,… gần xa tứ phía vang vọng, địch đồng loạt bao vây tấn công… Bố kịp thời triển khai đội hình đánh trả quyết liệt. Lực lượng địch mạnh gấp bội, nên bộ đội ta phối hợp với đơn vị bạn đánh bọc sườn vừa chống trả vừa rút lui về tuyến sau. Trong trận đánh không cân sức đó, nếu không có nhà sư hiện về kịp thời trong cơn mộng mị chớp nhoáng có lẽ Bố và không ít đồng đội đã hy sinh.

Trong lúc chiến đấu, một chiến sĩ vấp mìn, khựng lại, đổ xuống. Anh bị đứt một chân và đã hi sinh. Đại đội rút về, cáng theo trên hai mươi thương binh, tử sĩ. Trong tình thế gấp gáp, lại chưa ra khỏi vòng vây của giặc, anh em đề nghị cứ chuyển tử sĩ đi nhưng Bố không đồng ý; phải tìm bằng được cho anh ấy cái chân. Bố lệnh chờ đêm xuống sẽ cử người đi tìm, kiên quyết không để liệt sĩ về thế giới bên kia thiếu mất một chân.

Tuấn sứt là tay súng đại liên cừ nhất đại đội. Anh được cử bắn yểm trợ cho y tá Hòa bò dưới làn đạn, tìm chân tử sĩ.

Sau này, Tuấn sứt kể:

– Khi bắn, tui gá chân đại liên lên, để tầm bắn cao hơn mặt đất khoảng 50 phân. Hòa bò phía dưới. Tui lia họng súng quét trong vòng khoảng sáu chục mét. Giữ súng thiệt chắc để đường đạn bay chính xác.

– Hai anh em có lo không?

– Có chớ. Hòa sợ tui bắn trúng. Nhưng tui lấy mạng mình ra hứa sẽ giữ an toàn cho bạn.

Còn y tá Hòa thuật lại:

– Tui bò trong ánh chớp của làn đạn bắn rát mặt. Bò ngang, bò dọc! Bò lên, bò xuống! Vừa bò, vừa đưa tay dò mìn, mảnh pháo… mất hơn nửa tiếng thì tìm được chân tử sĩ. Mừng quá! Tôi để cái chân lên lưng, tay kia làm điểm tựa chống phía trước, vừa bò vừa lết dưới làn đạn đan chéo cách đỉnh đầu chỉ độ gang tay. Bò về đến đơn vị, áo ướt đẫm mồ hôi và máu.

Tận mắt chứng kiến quá nhiều cái chết đau lòng của bao đồng đội giữa lúc tuổi đời còn rất trẻ, tuyệt đối tin vào giấc mộng kì diệu giữa chiến trường mà nhà sư – có lẽ là hiện thân của Bụt – trong mộng mị giữa trưa rằm tháng tư Phật đản đã cứu mình thoát chết; hằng đêm bố ngước lên trời cao, thầm khấn nguyện: “Xin chư Bồ tát phù hộ độ trì cho con và anh em trong đơn vị được an lành, may mắn. Nếu còn được sống sót bước ra khỏi cuộc chiến đau thương này, con nguyện sẽ xuống tóc xuất gia nương nhờ cửa Phật, để ngày ngày tụng kinh siêu độ cho hương linh các chiến sĩ đã vong thân”.

Tâm thành được chư Bồ tát chứng, cuối năm 1987, Bố cầm quyết định chuyển công tác về địa phương. Chia tay đại đội, ông trở về Tổ quốc, tay không vũ khí đi trên những cung đường còn đầy bom mìn chết chóc mà lành lạnh đôi chân. Liệu mình có còn sống về được tới nhà, liệu có còn được bưng chén cơm đoàn tụ với gia đình trên bộ phản loang lổ mối mọt ông cha để lại?

Hơn 600km cả đi bộ, đi xe, cuối cùng bố cũng về tới cửa khẩu đồn 23 (cửa khẩu Lệ Thanh ngày nay). Ngoảnh mặt về đất nước Chùa Tháp, ông chấp tay khấn cầu cho anh em đồng đội đang còn ở lại chiến đấu bên nước bạn sớm tới ngày bình an, nguyên vẹn trở về.

Xốc lại ba lô, đôi chân chinh chiến vạn dặm tiếp tục về đồng bằng, trở lại quê hương sau những năm tháng chiến đấu nơi miền đất lạ. Đi ngang qua nghĩa trang Đức Cơ – Gia Lai. Hai bên đường hàng vạn đồng đội bố nằm lại đó – không tên, không tuổi, không quê… vỏn vẹn chỉ với những tấm bia gỗ viết vội 1, 3, 5, 7, 9,… 100… 8.000… 10.000, lạnh lẽo âm u! Tuổi chưa kịp xanh, những chàng trai trẻ tuổi đôi mươi đâu muốn nhìn thấy lá úa trên chính cuộc đời mình. Họ nằm đó trong muôn trùng đội hình, như vẫy mừng ông trở về trong may mắn.

Xót lắm, đau lắm, tang tóc, đau thương cho bao gia đình Việt!

Bố đã vĩnh viễn mất đi hàng vạn đồng đội phải nằm lại giữa đại ngàn biên giới. Ông thầm hứa với họ: Những ngày còn lại trong phần đời còn lại, làm được gì sẽ dốc hết sức cho bao người đã thầm lặng hi sinh, đã hứng chịu những nỗi đau tột cùng trong cuộc chiến này.

Về tới nhà, vừa bước qua ngưỡng cửa, ông trang trọng lấy từ lớp lót trong cái áo đại cán ra một túi giấy nhỏ bọc trong hai lớp nhựa. Tất cả đều cũ, sờn mòn vì năm tháng, vì thấm đẫm mồ hôi, máu và mùi bom đạn. Người vợ tròn mắt ngạc nhiên: “Đi đánh trận về mà ông còn sắm quà cho tôi và bọn trẻ à?”. Bố cười buồn: “Không phải quà. Đây là báu vật vô giá tôi gìn giữ còn hơn cả tính mạng mình, giữa bom rơi đạn nổ, giữa chênh vênh sự sống và cái chết!”.

Té ra đó là những phong thư mẹ gửi cho bố hồi ở chiến trường.

Nước mắt Mẹ ứa tràn mi khi tự tay lần giỡ những trang thư cũ đã nhòe nét chữ, loáng thoáng nhiều vết máu khô: “Trời! Người không giữ lại đi mà lo giữ mấy bức thư”. Vốn là cô giáo dạy Văn với biệt tài thuộc làu 3254 câu Kiều, Mẹ gục đầu vào vai bố thổn thức:

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây, cuối trời!

***

Trở về quê cũ, thời gian đầu làm việc ở huyện đội, bố vận động các ban ngành và kêu gọi các cựu chiến binh lập ra một tiểu ban, dành riêng một nguồn quỹ để giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ ngoài chế độ thuộc về chính sách. Thăm nom thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tư vấn tăng gia sản xuất, tạo cơ hội việc làm,… là những đóng góp thiết thực của ông.

Ít lâu sau, bố hoàn tất thủ tục phục viên. Thực hiện lời khấn hứa tự sâu thẳm trong tâm thức với đồng đội, ông vào tịnh xá Ngọc Trì, xin xuống tóc xuất gia.

Giờ đây, vị chỉ huy thuở nào từng dẫn dắt đại đội tung hoành giữa mưa bom bão đạn đã thành một sư thầy nghiêm cẩn với pháp danh Giác Tấn. Sự buông bỏ của Sư là biểu hiện thực tế của niềm tin mãnh liệt vào sự sống sau cái chết. Mỗi ngày, Sư tụng hai thời kinh siêu độ cho bao người lính hữu danh và vô danh đã ngã xuống nơi chiến trường xưa. Ngộ lời Đức Thế tôn dạy: Trồng dưa thì chờ ngày hái dưa, gieo lúa tất tới ngày gặt lúa, “nhân” đã gieo thế nào, “quả” lơ lửng còn đó, chỉ chờ ngày đền trả… nên Sư đều đặn tổ chức tu “Bát quan trai” cuối tuần cho bà con quanh vùng học Phật, lánh dữ làm lành.

Thọ giới khi tuổi đời không còn trẻ, xin đăng kí học lớp Sơ cấp Phật học thì bị Ban trị sự Phật giáo tỉnh “chê già”. Biết phận mình, nên Sư chạy đua với thời gian, tự học Phật, thức khuya dậy sớm mày mò nghiên cứu kinh điển. Nhớ lại rằm tháng bảy năm ngoái, sau khóa lễ, thượng toạ trụ trì trịnh trọng giới thiệu về sư thầy Giác Tấn:

– Xuất gia chỉ để đủ duyên vào chùa tụng kinh siêu độ cho đồng đội, hồi hướng công đức cho các gia đình liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ Quốc.

– Không dám nhận là “Sư”, là “Thầy” mà chỉ coi mình là “Người học Phật”, nhưng kiến văn và tâm tình của Sư khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, nể phục. Giữa chợ đời náo nhiệt, cuồng nộ tham – sân – si mà tâm vẫn bình thản, thì mới là thực chứng Pháp của Như Lai. Tâm thanh tịnh thì nơi nào cũng thanh tịnh.

– Hôm nay, xin mời Sư có đôi lời với đại chúng. Chư vị hãy nghe, để xem tôi có nói quá chăng?

Từ chối bước lên bục gỗ nơi đặt chiếc bàn phủ lụa màu vàng, Sư khiêm cung thưa: “Bạch sư phụ trụ trì, kính thưa bà con Phật tử, vâng lời chỉ dạy của sư phụ, con xin thưa…”.

Vậy là, người nghe quên hết! Quên ngôi chùa nhỏ, quên người ngồi bên, quên thời gian trôi nhanh khi trời đã vào đêm. Trên sáu mươi con người bị cuốn hút vào bài pháp – đúng hơn là lời thủ thỉ tâm tình mộc mạc, kết hợp một cách dung dị, tự nhiên vẻ đẹp, nỗi đau đời qua lăng kính trải nghiệm đầy máu và nước mắt của của một vị Sư mà nửa đời là lính; lại được soi rọi lý giải một cách thấu đáo, căn cơ bởi triết thuyết “Nhân – Quả – Duyên – Nghiệp” của nhà Phật.

– Dạ, con tự biết phước con chưa đủ. Nếu đủ, con đã sớm được xuất gia rồi. Nhưng con tin Phật vì trước tiên Phật giáo là một tôn giáo vô thần, khác với tất cả các tôn giáo khác. Đạo Phật không thừa nhận một Đấng thần linh – Giáo chủ tối thượng có sẵn. Đức Thế Tôn đã phát hiện, dấn thân và chứng đắc để rồi truyền dạy, hướng dẫn lại cho chúng sinh (không phân biệt nam nữ, tầng lớp, giai cấp, chủng loài…) về sự khổ, về nguyên nhân của cái khổ, về cách giải thoát và con đường giải thoát (tức Bát chánh đạo). Đức Phật chỉ cho ta con đường để nhận ra biển khổ xung quanh đang gầm réo và tầng sâu nỗi khổ trong chính bản thân mình; để từ đó tự biết cách thoát ra nhờ nỗ lực khắc chế tam độc: tham, sân, si…

– Chư Phật không trừng phạt hay ban phát phúc quả cho ai. Mỗi chúng ta phải tự chịu trách nhiệm, tự trả giá bằng luật “Nhân Quả” do chính mình tự tạo… Học Phật đâu phải chuyện một sớm một chiều, một kiếp; cứ tin vào chánh niệm, gắng giữ 5 giới, làm việc thiện, tránh phạm vào điều ác, thì thân tâm mình mỗi lúc mỗi nhẹ dần đi, xả bỏ dần đi; chẳng những tới lúc chết không bị đọa địa ngục mà ngay trong lúc còn sống khó khăn cũng giảm thiểu nhiều lắm.

– Dạ, “Phật pháp bất ly thế gian pháp”, “Phật pháp tại thế gian, không ngoài thế gian mà giác ngộ” (Kinh Bảo Đàn). Niết bàn không phải là một Cõi mà là một trạng thái của Tâm. Khi Tâm ta cởi bỏ hết sân, si; ta bằng lòng với những gì đang có, dù vướng vào nghịch cảnh, ta vẫn chấp nhận với nụ cười từ bi hoan hỉ, với cái Tâm Hỷ Xả thì đó là Niết bàn. Dạ vâng. Mô Phật.

***

Mấy năm lăn lộn ở chiến trường Campuchia, tham gia các chiến dịch vùng rừng núi, do địa hình chia cắt nhiều lúc thuốc chưa cung ứng kịp, nên bố tìm tới các cụ già người bản xứ học một số bài thuốc gia truyền chữa bệnh bằng các loại rễ, lá để kịp thời có thuốc dùng cho lính trong đơn vị mình. Những phương thuốc ấy được ông cẩn trọng ghi lại vào sổ tay. Nay, ông đem truyền lại cho bà con miền cao, chọn giống, gieo trồng, hình thành những vườn thuốc Nam – nguồn dược liệu quý.

Và sư Giác Tấn thường xuyên tổ chức các đợt thiện nguyện giúp bà con nghèo vùng sâu vùng xa, nhất là vào mùa mưa lũ.

Lần ấy, Sư cùng hơn hai mươi Phật tử gồng gánh thực phẩm, thuốc men, chăn màn,… cứu trợ cho bản làng Talok, Talek bị lũ lụt càn quét. Chuyến đi này có cựu binh Tô Minh Hải nghe tin thủ trưởng cũ xuất gia nên đến thăm; nhân dịp tham gia.

Do lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn tràn về dồn với đập Đamrai bị vỡ chôn ngập cả vùng hạ lưu nên bản làng hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Bà con căng người chịu đựng đói, rét đã gần 5 ngày, đang từng giờ trông ngóng đoàn thiện nguyện.

Chiều tà buông,

Đoàn tới cây cầu khỉ, …

Tiếng nước chảy xiết, réo sôi ùng ục

Nhòa trong tiếng mưa tuôn gió hú, trên cây gạo đầu làng chợt có tiếng quạ kêu thảng thốt!

Từ trưa đã nghe tin có đoàn cứu trợ Phật giáo tới, nên không ít đồng bào đội mưa bão đứng chờ. Sư Giác Tấn và Tô Minh Hải đầu đội, lưng mang hàng cứu trợ bì bõm trong mưa, bươn bả đặt chân lên cây cầu khỉ được kết thành từ nửa vỏ thân tre trơn ướt. Bên kia đầu cầu, các cháu nhỏ ùa ra! Trong tiếng mưa gió gầm gào như cơn cuồng nộ của đất trời vang lên những tiếng kêu thất thanh! Cầu tre đã gãy! lũ trẻ bị rơi tõm xuống nước! Chúng chới với, tuyệt vọng rồi mau chóng chìm nghỉm mất hút giữa dòng nước lũ hung dữ… Mặt nước chỗ bọn trẻ rơi xuống chỉ thấy sùi bong bóng…

Đoàn thiện nguyện đờ người, sững sờ vì sự việc xảy ra nhanh quá!

Phản vệ của người lính trong tình thế nguy nan bật dậy, sư Giác Tấn quẳng bao gạo trên vai xuống, bước vội ra sát nơi cầu gãy. Hiểu ý, hạ sĩ Hải chạy theo, giữ tay ông lại:

– Thủ trưởng để em! Thầy ơi! Con trẻ khỏe hơn thầy!

Sư quay ngoắt người, đẩy Hải bật lại phía sau:

– Em còn con nhỏ. Hãy ở lại. Đây là việc của tôi

Kể từ ngày cùng sống cùng chết trên đất nước Ăngko, lần thứ hai trong cơn vần vũ của đất trời, Hải lại chứng kiến cặp mắt của thủ trưởng vốn nhân ái bao dung mà quyết liệt dữ dội đến vậy.

Đôi mắt nhà sư – người lính lóe lên như ánh chớp. Uy lực của nó khiến anh đau đớn, cứng người như Từ Hải chết đứng giữa trận tiền trên trang Kiều của Nguyễn Du tự 300 năm trước.

Hải tránh ánh mắt ấy như tránh đời, tránh người, hay chẳng qua để tránh cho mình thêm một lần đau khi lặng nhìn Sư chắp hai tay lên đỉnh đầu theo hình mũi giáo lao xuống dòng nước xoáy hun hút. Hơn ai hết, Hải biết rõ vết thương do mảnh đạn pháo B41 ở bả vai trái sắp bị bục ra, nên đại đội trưởng của mình sẽ xuống sức rất nhanh.

Trồi lên hụp xuống, Sư kéo được hai cháu bé lên bờ. Rồi ông lại lao xuống nước tìm…

Rồi Sư cứu được thêm đứa thứ ba đã bị no nước ở dưới đáy lên. Rồi ông lại lao xuống nước tìm…

Trong cơn mưa gió mù trời, lúc mọi người còn mãi hô hấp nhân tạo cho các cháu bé thì cũng là lúc sư Giác Tấn kiệt sức, bất tỉnh, gục xuống trôi xuôi theo dòng nước.

Khi phát hiện Sư đã mất tích, mọi người tản ra, chia nhau tìm gọi. Tận sáng hôm sau mới vớt được thi thể.

Đất trời sụt sùi.

Hoa gạo lả tả rơi trĩu nặng trong mưa!

Hạ sĩ Tô Minh Hải gục xuống, nước mắt anh vương từng giọt, từng giọt lên trán nhà sư. Anh thì thầm: “Sư Thầy ơi! Thủ trưởng ơi! Thầy hi sinh thân mạng để dạy con hiểu thế nào là Bi – Trí – Dũng… Con nguyện bước tiếp theo dấu chân của Thầy”.

Gương mặt trắng màu sáp sũng nước của Sư dường như nhuốm sắc hồng và khoé môi thoáng nét cười mãn nguyện.

Đám tang sư Giác Tấn đơn sơ mà đầm ấm, giữa bao thương yêu, nuối tiếc của đồng đạo, đồng đội và dân làng, nơi ông đã hi sinh thân mình cứu lũ trẻ. Các cháu bé đặt lên mộ ông những bông hoa rừng trắng tinh khôi. Hạ sĩ Hải mặc quân phục nghiêm trang đưa tay lên vành mũ, thành kính vĩnh biệt vị chỉ huy, người anh hùng, vị thầy, bậc thánh nhân của đời mình về cõi Phật.

Kể với tôi tới đây, Bảo Phúc bồi hồi nhớ lại:

“Lần giỗ đầu, nhớ bố quá, trò tìm về con suối dữ nơi Bố đã hy sinh. Cảnh vật vẫn như vậy. Dòng suối hiền hòa, trong xanh, chảy êm đềm sau những ngày bão lũ, dưới đáy sâu hình như lũ cá vẫn tinh nghịch nô đùa. Chiều muộn, ánh tà dương trên mặt suối phản chiếu lấp lánh. Hơi nước tụ thành những vờn khói nhẹ. Tự đâu đó, một cơn gió lạnh làm mặt suối trong xanh xao động. Và lạ thay những con sóng lăn tăn trên mặt nước dường như lung linh huyền ảo viền quanh khuôn mặt từ hòa thân quen của một nhà sư. Ông mỉm cười, dịu dàng và Bảo Phúc như nghe văng vẳng tiếng bố vọng về:

– Hướng đến Giải thoát và Giác ngộ là mục đích của người học Phật. Hiểu hời hợt thì kính, tin cũng hời hợt. Không ít người mượn Kinh, Pháp của Phật để phổ nhạc, làm thơ mà lòng trơ như đá núi nên “Những lời ca chưa qua môi đã tan như khói trời!”. Có mấy ngôi chùa tồn tại được ngàn năm, còn cành mai vàng vẫn nở trong bài kệ của thiền sư Mãn Giác hơn ngàn năm trước và áng mây trắng trong thơ Thôi Hiệu vẫn muôn đời “thiên tải không du du”!

– Con hãy kiên định hành trì giáo pháp để sớm đạt trí tuệ và giải thoát, mọi sự còn lại (học hàm, giáo vị) buông đi. Đừng nuối tiếc, níu kéo những giá trị tạm chỉ thuộc về cõi tạm này. Có cũng tốt đẹp, không có cũng tốt đẹp. Đấy chính là con đường trung đạo “vô chấp” của nhà Phật. Nếu không đủ củi để nấu sôi một ấm nước đầy, sao không bớt nước đi thay vì cứ cố chạy đi kiếm củi? Đường đời vạn nẻo, đôi khi ta phải chấp nhận mình dở hay do Duyên chưa đủ… để tự giải thoát. Trí huệ do buông bỏ, tri thức do tìm cầu; cũng một đời tụng kinh niệm Phật, mà Giới và Hạnh khác nhau… “Tự tánh vô thường”, cứ bám chấp thì làm sao giác ngộ!

– Phần bố, nghiệp duyên phúc lành đã an bài cho bố một phận người như bố hằng mong muốn; để được hiến trọn đời mình cho quê hương đất nước, để được đem thân cúng dường cho nghĩa lớn giữa mùa Phật đản.

Tiếng nói thoảng đưa trong gió vừa dứt, mặt suối lại trong xanh, phẳng lặng như chưa có chuyện gì xảy ra, lũ cá lại tung tăng tinh nghịch nô đùa. Ngân nga nơi đỉnh núi mờ xa, tiếng chuông chùa lan tỏa trong thinh không yên bình muôn thuở. Lá ngoài đường rơi rơi. Mùi hương hoa rừng thơm ngát quanh đây.

Bảo Phúc đứng ở đó mãi cho tới lúc trời sập tối – khi những ngôi sao xanh lấp lánh đã lấm tấm trên nền trời nhung đen thẫm – mới ra về.

 

Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ 2025

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi