LUẬN BÀN VỀ 12 NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ
MINH NGỌC
Đầu năm Âm lịch, bắt đầu từ mùng 1 tháng Giêng đến hết tháng, theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, các chùa đều tổ chức Đàn tràng Dược sư, để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, và bản thân mọi người được tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ. Chùa nào cũng đông, có nơi ba ngày tụng 7 bộ, goi là Dược sư thất khu; có nơi bảy ngày, và các chùa cũng khéo linh hoạt sắp xếp thời gian “né lịch” để các Phật tử có thể đi tụng được nhiều chùa, cầu xin được nhiều chỗ, Phật chứng được nhiều lần. Với tâm niệm “Hữu cầu tất ứng”, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Đó là tín ngưỡng dân gian thấm nhuần Phật giáo đáng quý. Nhằm để gieo duyên lành, sanh khởi thiện tâm, làm lành lánh ác. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở niềm tin, thì không tránh khỏi dẫn đến mê tín, cuồng tín dị đoan, cầu xin Phật Dược sư ban ơn giáng phước. Vì sao? Vì trong 12 nguyện đức Phật Dược sư hơn số phân nửa là những điều dễ dẫn đến huyền hoặc, phi lý, viển vông và phi thực tế. Chúng ta thử tìm hiểu và cố gắng lý giải những lời nguyện đó.
NGUYỆN THỨ NHẤT: Nguyện ta đời sau khi đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, tự thân quang minh, rực rỡ chiếu sáng vô lượng vô số vô biên thế giới, dùng 32 tướng đại trượng phu, 80 nét đẹp tùy hình, để trang nghiêm nơi thân, khiến cho hữu tình như ta không khác.
NGUYỆN THỨ HAI: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, thân như lưu ly, trong ngoài sáng suốt, sạch không vết bẩn, ánh sáng rộng lớn, công đức cao lớn, thân khéo an trụ ở lưới sáng trang nghiêm, hơn cả mặt trời mặt trăng; chúng sanh u minh đều được sáng tỏ, tùy ý chỗ đến, làm các sự nghiệp.
NGUYỆN THỨ TƯ: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình thực hành tà đạo, thảy đều khiến cho an trú trong đạo Bồ Đề. Nếu thực hành Thanh Văn, Duyên Giác thừa thì đều dùng Đại thừa mà an lập cho.
NGUYỆN THỨ NĂM: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình trong pháp của ta tu hành phạm hạnh, tất cả đều khiến cho được giới hạnh không thiếu, đủ tam tụ giới. Nếu có hủy phạm, nghe tên ta rồi, thanh tịnh trở lại không đọa đường ác.
NGUYỆN THỨ CHÍN: Nguyện ta đời sau, khi đắc đạo quả Bồ Đề, khiến các hữu tình ra khỏi lưới ma, tất cả ngoại đạo trói buộc. Nếu bị rơi vào các thứ rừng rậm ác kiến, sẽ đều dẫn dắt đặt ở chánh kiến, khiến dần tu tập các hạnh Bồ tát, mau chứng Vô Thượng Bồ Đề.
Nguyện thứ 1, 2, 4, 5, 9 nêu trên, chúng ta tạm hiểu được, riêng các nguyện thứ 3, 6, 7, 8, 10, 11, 12 là hoàn toàn không tưởng, phi thực tế, trái với đạo lý nhân quả nghiệp báo của Phật dạy. Vì thế, chúng ta cần phải hiểu theo Lý.
NGUYỆN THỨ 3: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, dùng vô lượng, vô biên trí tuệ, phương tiện khiến cho các hữu tình đều được đồ vật thọ dụng không hết, không khiến cho chúng sanh có chỗ thiếu thốn.
Muốn có tài sản, đồ vật thọ dụng phải siêng năng tiết kiệm mới có được, Phật không hề ban cho. Đó là đạo lý nhân quả của Phật giáo.
LÝ GIẢI:
Vật dụng: Tức là các đức Tứ vô lượng tâm: TỪ, BI, HỶ, XẢ, là Thất Thánh Tài: TÍN, TÀM , QUÝ, GIỚI, VĂN, THÍ, ĐỊNH, TUỆ; là mười một Thiện tâm sở: Tín, Tấn, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại.
Vật dụng của thế gian: Nội tài là thân thể; và ngoại tài gồm nhà cửa, tiền của, sự nghiệp, danh vọng, địa vị. Chúng luôn bị 5 nhà lấy mất: Thiên tai (động đất, núi lửa, sóng thần…), cháy nhà, giặc cướp, vương pháp tịch thu, con cái phá sản.
Đức Phật vẫn thường dạy đừng tham đắm của cải vật chất, vì nó là nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Hơn nữa, Phật còn dạy, thế gian này là vô thường, vô ngã, v.v… thì không lý gì đức Phật nguyện sau khi đắc đạo Bồ Đề khiến cho các hữu tình có đầy đủ vật dụng dùng không hết? Như thế là tạo nghiệp tham đắm cho chúng sanh. Hơn nữa, Phật có thể làm như thế, thì còn đâu là luật nhân quả, bình đẳng trước kẻ làm ác và người làm thiện. Cho nên đây phải hiểu “vật thọ dụng” tức là các thiện tâm, tánh tốt vốn sẵn có ở mỗi chúng sanh. Đức Phật dùng trí tuệ để chỉ cho các hữu tình sử dụng những vật dụng mà mình vốn có, nhưng do ngu si không biết cứ tưởng là mình túng thiếu, v.v… Những vật đó thọ dụng hoài không thể hết.
NGUYỆN THỨ 6: Nguyện ta đời sau, khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình thân hình thấp kém, các căn không đầy đủ, xấu xí, ngu ngơ, mù, điếc, ngọng, câm, quắp tay, què chân, lưng gù, lác hủi, điên cuồng, đủ các bệnh khổ, nghe tên Ta rồi, hết thảy đều được đoan chính, trí tuệ thông minh, các căn đầy đủ, không có tật khổ.
LÝ GIẢI:
Thân hình thấp kém có 2 ý:
1/ Thân tướng bên ngoài, hình dáng, dung mạo, v.v…
2/ Tâm hồn, ý nghĩ thấp hèn, như các loài thấp kém hơn loài người (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh) tham dục, sân hận, si mê điên đảo, mất nhân tính, v.v…
Các căn không đủ có 2 ý:
1/ Khiếm khuyết các phù trần căn (căn tướng bên ngoài như 6 căn).
2/ Hiểu theo Câu xá luận: Gồm 22 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân (cơ năng phát thức), nam căn, nữ căn (sự sai biệt hữu tình, tướng mạo), mạng căn (khả năng tồn tục của một chúng sanh), ưu, hỷ, khổ, lạc, xả (thuộc pháp ô nhiễm), ý căn (khả năng tiếp nối sanh tử tự tại tùy hành), tín, tấn, niệm, định, tuệ (5 căn thanh tịnh), vị tri đương tri, dĩ tri, cụ tri (3 căn vô lậu), 8 căn sau thuộc pháp thanh tịnh.
Xấu xí có 2 ý:
1/ Hình tướng bên ngoài: Khó coi, gây cảm giác khó chịu, không muốn nhìn. Xấu còn có nghĩa hung ác, dữ.
2/ Tâm địa xấu, ác: Ích kỷ, hại người, sân hận, thù hằn, cuồng loạn, không biết phải trái.
Ngu ngơ: Cố chấp, tà kiến, không tin nhân quả, thiện ác, phước họa, chấp ngã, ngã sở, kiến thủ, giới thủ, v.v…
Mù, điếc, ngọng, câm: Mù là có mắt mà không thấy các pháp này là vô thường, giả tạm, là vô ngã, không. Điếc là có tai mà không biết nghe lời của bậc thiện tri thức dạy bảo. Ngọng, câm là có miệng mà chỉ nói những lời thêu dệt, điêu ngoa, những lời hý luận, đối với lời hay, nghĩa đẹp thì chẳng nói được, phát ngôn bừa bãi, thô tục, trái lại chánh pháp.
Quắp tay, què chân, lưng gù, lác hủi, điên cuồng, v.v…
Quắp tay: Tự cao ngã mạn không nhận lãnh Phật pháp, hoặc tuy sống trong Phật pháp mà không biết hưởng thụ.
Què chân: Chỉ người chỉ có học mà không có hành, như người què chân. Lưng gù: Những kẻ trốn chạy trong giáo pháp của Phật, lấy đó làm chỗ núp, nhờ, luồn cúi.
Lác hủi: Xuyên tạc đạo Phật, ngậm máu phun người, hoặc bản thân nhơ uế giới hạnh.
Điên cuồng: Điên đảo, thị phi, tà chánh.
Nếu một khi “Nghe” tức lắng nghe trở lại chân tâm sáng suốt như ngọc lưu ly của mình, thì những “căn” ấy, bệnh ấy được hoàn toàn, đầy đủ không còn khiếm khuyết nữa.
NGUYỆN THỨ BẢY: Nguyện ta đời sau, khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình nhiều bệnh bức bách, không ai cứu chữa, không nơi nương tựa, không thầy không thuốc, không ai thân thích, không có gia quyến, bần cùng nhiều khổ. Danh hiệu của ta một khi đến tai, các bệnh đều trừ, thân tâm an lạc, gia quyến, vật dụng thảy đều sung túc, cho đến chứng được vô thượng Bồ đề.
LÝ GIẢI:
Không ai cứu chữa: Đây là bệnh nan y, hiểm nghèo, cầm chắc cái chết.
Nếu nói tâm bệnh, thì đó là những bệnh cực tham, cực sân, cực si, không biết nhận lỗi, cố chấp, tà kiến, không tin nhân quả, tội phước. Như trong kinh nói hạng Nhất xiển đề mất hết bản tính, không có Phật tính.
Không nơi nương tựa: Không có người thân, gia đình, bạn bè. Cô thân.
– Về phương diện tâm linh: Không tin vào ai, thậm chí chính mình. Không có niềm tin vào tha lực, lại cũng không có niềm tin vào chính mình. Sống lang thang, vô định, không có lý tưởng. Những tâm trạng thờ ơ, vô cảm, mất lý trí cũng như tình người.
Không thầy chữa bệnh: Vô phước, bạc mệnh.
Nói về tâm linh: Không có bạn bè, thiện tri thức giúp đỡ chỉ đường, không có minh sư, thiện hữu. Nếu có gặp chỉ gặp tà sư, ác hữu mà thôi.
Không thuốc: Không có cơ hội chữa bệnh, bác sĩ bó tay, thuốc thang không có.
Nói về tâm linh: Không có Phật pháp soi đường, u mê. Vì Phật pháp là thuốc hay chữa bệnh phiền não thân tâm. Như một số cư dân sống trong vùng lạc hậu, hạ tiện, v.v…
Không ai thân thích, không có gia quyến: Không có gia đình.
Nói về tâm linh: Không có các thiện tâm dù là nhỏ nhất, không có quyến thuộc Bồ đề, v.v…
Bần cùng nhiều khổ: Nghèo khổ.
Nói về tâm linh: Nghèo, thiếu tình thương, lòng từ bi, hỷ xả, vô tình, bạc bẽo, vô cảm. Đó là nghèo cái tâm, cái tình, cái trí tuệ. Nghèo về của cải còn có cơ hội làm giàu, hoặc chỉ khổ thân 1 kiếp. Còn nghèo tình thương, trí tuệ thì không những khổ 1 kiếp này, mà còn nhiều kiếp sau.
Đối với hạng bất hạnh này, nếu lắng lòng suy nghĩ lại cái tánh tốt, trong sạch và sáng suốt như ngọc lưu ly của chính mình, thì chắc chắn những khổ đau tưởng chừng không qua khỏi ấy, cũng sẽ được giải trừ. Đó chính là “nghe” danh hiệu Phật Dược sư.
NGUYỆN THỨ TÁM: Nguyện ta đời sau, khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu có người nữ, bị trăm điều xấu bức não thân nữ, sanh rất chán lìa, muốn bỏ nữ thân, khi nghe tên ta, tất cả đều được chuyển nữ thành nam, đủ tướng trượng phu, cho đến chứng được Vô Thượng Bồ Đề.
LÝ GIẢI:
Nam và Nữ: Sinh lý khác, tâm lý cơ bản giống, đều có tâm sở thiện, tâm sở ác bình đẳng như nhau, đều khổ như nhau, hạnh phúc như nhau, đều có khả năng thành Thánh, Phật như nhau. Nhưng do cấu tạo sinh lý cơ thể khác nhau, nên cách biểu hiện về mặt tâm lý có phần khác nhau. Chẳng hạn nữ phát triển mạnh bán cầu não trái, phát triển tình cảm. Nam phát triển bán cầu não phải, phát triển lý trí. Người nữ tính luyến ái nặng hơn nam.
Khi nghe tên ta tức quay trở về với tự tánh thanh tịnh vốn có của mình. Đã là tự tánh thì không có phân biệt nam hay nữ, để dứt bỏ tâm tham dục ái luyến hướng về trí tuệ sáng suốt. Đó tức là chuyển nữ thành nam, mặc dù hình tướng vẫn còn là nữ.
NGUYỆN THỨ MƯỜI: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình bị vương pháp bắt, dây trói roi vọt, giam cầm lao ngục hoặc sẽ tử hình cho đến vô lượng tai nạn, ức hiếp, nhục nhã khác nữa, buồn rầu, bức bách thân tâm thọ khổ, nếu nghe tên ta, nhờ oai thần lực phước đức của ta, đều được giải thoát tất cả ưu khổ.
LÝ GIẢI
Về phương diện tâm linh (tâm lý):
Bị vương pháp bắt, dây trói roi vọt: Bản thân người có tội là do các hành vi phát xuất từ thân, khẩu, ý, nghiệp đã gây ra, làm tổn thương đến mình và người khác, chúng sanh khác, cho nên tâm trạng luôn luôn sợ hãi, lo buồn, dao động, như kẻ có tội sợ bị vương pháp bắt được. Bởi tội này do chính mình gây ra, nó làm cho lương tâm ta cứ cắn rứt, day dứt mãi. Cứ mỗi lần nghĩ đến, thì như nhói trong tim, cũng như bị từng ngọn roi quất vào da thịt. Vết thương bầm tím của roi, gậy còn có thể lành, còn vết thương lòng thì khó thể cứu chữa.
Thế nào là giam cầm lao ngục: Trong kinh Phật thường đề cập đến 5 thứ dục: tài sản tiền của, danh vọng địa vị, sắc đẹp ân ái, ăn mặc, ngủ nghỉ. Đây chính là 5 thứ ngục tù giam hãm con người ta từ lúc chào đời đến khi nhắm mắt, kiếp này sang kiếp khác.
Thế nào là sắp bị tử hình: Ở thế gian chỉ cho loại tù nhân tội nặng nhất, không thể miễn giảm. Phật cũng chẳng thể cứu. Đây là ví như kẻ phạm tội ngũ nghịch, không thể nào sám hối được nữa.
Vô lượng tai nạn ức hiếp, nhục nhã: Sự oan ức, sự chà đạp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, v.v…
Nếu nghe tên ta v.v… trở về với tâm thanh tịnh như ngọc lưu ly. Vì sao ta khổ? Vì vô minh che lấp, vì nghiệp chướng v.v… Nay ta phải dùng đến trí tuệ (ngọc lưu ly), nước từ bi, mở rộng lòng thương, tha thứ, hỷ xả, hoan hỷ chấp nhận, v.v… thì mọi việc sẽ qua. Như mặt trời, mặt trăng luôn chiếu sáng không phân biệt và giới hạn. Như phần sau trong kinh có nói: Bồ tát Nhật Quang và Nguyệt Quang là vậy.
NGUYỆN THỨ MƯỜI MỘT: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình đói khát, bức não, vì cầu ăn uống nên tạo ác nghiệp, được nghe tên ta, chuyên niệm thọ trì. Ta sẽ trước lấy thức ăn uống thượng diệu để no đủ thân họ, sau mới lấy vị pháp rốt ráo an lạc mà an dựng cho.
LÝ GIẢI
Đói khát: 6 căn có 6 loại thức ăn là 6 trần. Do ham 6 trần không biết chán nên gọi là đói khát. Mắt ham sắc đẹp không biết chán. Tai ham tiếng hay không biết chán. Mũi ham mùi thơm không biết chán. Lưỡi ham vị ngon không biết chán. Thân ham xúc chạm không biết chán. Ý ham tưởng pháp không biết chán. Do ham thích sinh ra mê say, đắm đuối, mong cầu, và khổ sở vì thiếu chúng.
Phải biết do vô minh, thiếu sáng suốt, trí tuệ, nhận thức nên chúng sanh chấp vào ảo tưởng là đẹp, ngon v.v… mong cầu có nó, được nó. Nhưng khi có nó lại muốn có cái tốt hơn, đẹp hơn, nhiều hơn… cứ thế nên phải khổ sở. Đây là nói sự đói khát do các căn gây ra.
Muốn hết đói khát, hãy thọ trì thuốc Dược sư là giữ tâm ý trong sach, tận hưởng Vị pháp rốt ráo an vui: Vô thường, Vô ngã, Niết bàn.
NGUYỆN THỨ MƯỜI HAI: Nguyện ta đời sau khi đắc đạo quả Bồ Đề, nếu các hữu tình, nghèo không có áo quần, muỗi ruồi cắn chích, nóng lạnh khổ sở, ngày đêm bức não, nếu nghe tên Ta chuyên niệm thọ trì, liền được các thứ y phục tốt đẹp, y như sở thích, cũng được tất cả vật dụng quý báu trang nghiêm, tràng hoa hương thoa, âm nhạc ca hát, tùy tâm thưởng thức, đều khiến đầy đủ.
LÝ GIẢI
* Thế nào là nghèo không có áo mặc:
Tục ngữ có câu “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Nghèo vật chất nhưng thân thể sạch trong, rách áo quần nhưng tâm hồn thơm nức.
Ý trong kinh không phải nói những người nghèo khổ không có áo quần để mặc, mà ám chỉ những người nghèo túng lòng vị tha, sống ích kỷ, hại người, chỉ biết lợi mình. Sống keo sẻn, bủn xỉn, bần tiện. Mặc dù đầy đủ áo quần, nhưng giống như lúc nào cũng trần tuồng chịu đựng sự nóng lạnh. Tâm hồn lạnh lùng, vô cảm, hoặc cuồng nhiệt, hoang tàn, dễ bốc hỏa trước những phiền não cho dù nhỏ nhất như ruồi, muỗi cắn chích cũng nổi lên tham, sân, si, v.v… Bởi vì họ không có áo quần Tàm Quý. Sự hổ thẹn không có cho nên mới làm bậy, tạo tội ác. Trong kinh Di Giáo nói: “Tàm Quý là trang phục đẹp nhất” của người học đạo.
Thế nào là y phục thượng diệu: Áo Giới ví như áo giáp, có thể chống đỡ mọi phiền não.
Tràng hoa, hương thoa, v.v… Giới hạnh uy nghi làm trang điểm.
Người có Giới: Đạo đức bảo vệ cho mình không những tránh những hiểm họa, mà còn làm đẹp nhân cách cho mình, cho xã hội.
Hương các loại hoa thơm / Không bay ngược chiều gió /Nhưng hương người đức hạnh /Ngược gió khắp tung bay /Chỉ có bậc chân nhân /Tỏa khắp mọi phương trời. (Pháp Cú 54)
Tóm lại, tụng Kinh Dược Sư mà không hiểu hạnh Dược sư thì không ích lợi. Dược sư là Thầy thuốc tự chữa cho mình, vì không ai hiểu mình bằng mình. Mình có “viên ngọc lưu ly” chữa bách bệnh. Bệnh gì, phiền não gì, cũng hết. Thuốc là giáo pháp, là Giới, Định, Tuệ, là Bát chánh đạo. Đó mới là người Phật tử chân chính, không mê tín dị đoan, không biến Phật thành thần linh ban phước, mà bản thân không biết Phật muốn dạy gì trong kinh. Tổ đức có câu: “Tụng kinh giả minh Phật chi lý”. Tụng kinh là hiểu đúng lý Phật dạy. Đức Phật cũng từng bảo: Tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta, cho nên, phải hiểu đức Phật là vị Y vương cho thuốc chữa bệnh tâm cho chúng sanh, còn sanh, lão, bệnh, tử là quy luật tự nhiên, Phật không thể nào chữa được cho ai. Đầu năm tụng kinh Dược Sư, lòng thành hiểu lời kinh ý Phật rồi áp dụng, thì “bệnh tật” thân tâm mới hết. Còn cứ tụng, cứ cầu, cứ tin, rồi dẫn đến mê mờ, thân có bệnh mà không đi bác sĩ, không chữa trị, thì đúng như trong Kinh Dược Sư nói, là Chết oan đó vậy!