VESAK 2025 – NGÀY VUI MÙA SEN NỞ
DƯƠNG KINH THÀNH
Lễ Phật đản năm 1964
Bao nhiêu tuổi đời, là bấy nhiêu mùa Phật đản có sen thơm ngát nở rộ trong lòng, kể từ khi biết chắp tay tín thành hướng Phật. Nhưng kỷ niệm mùa Phật đản vui nhất đời mình, dù với những bước chân sáo hồn nhiên tuổi Oanh Vũ biết reo hò năm 1964 – Phật lịch 2508 ngay tại đất Sài Gòn ngày ấy còn phảng phất khói sương mùa pháp nạn chưa tan biến hết. Ngày ấy, chúng tôi mới chỉ 8, 9 tuổi đầu còn nhiều ngơ ngác lẫn xa lạ với chung quanh, nhưng niềm hân hoan thì vẫn luôn có thật và đi theo suốt bao năm tháng miệt mài. Với niềm vui mùa Phật đản 2508 năm ấy tại bến Bạch Đằng Sài Gòn, sau này trong nhiều bài viết của mình, tôi có cảm thán rằng chưa bao giờ thấy lại lần thứ hai. Cũng có thể hơi quá đáng đấy, nhưng ai cũng biết đó chỉ là sự hân hoan ở góc độ bên ngoài so với nền tảng và truyền thống Phật giáo Việt Nam (PGVN) lâu đời là chưa cần thiết, nếu có chỉ ở góc độ phụ trong công việc hoằng hóa mà thôi. Có lẽ vì thế mà về sau chúng ta ít thấy được được hình ảnh, màu sắc, rộn ràng, ồn ào trong mỗi mùa Phật đản về.
Một đôi dòng hoài niệm mùa Phật đản của tuổi thơ mình như thế để bây giờ trở về thực tại, vẫn nhớ rằng mình đứng bên dòng phát triển thời đại, để tiếp nhận niềm vui với sự hân hoan có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn và có phần yên bình hơn.
Kỷ niệm Đại lễ Vesak tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
Trước hết, xin được nghiêng mình tri ân chư Tôn đức, các nhà hoạt động Phật sự khắp nơi trên thế giới đã không mệt mỏi đem được lá cờ Phật giáo và giá trị của Đức Phật vào từng lá phiếu biểu quyết, đồng thuận ngay trong trụ sở Liên Hiệp Quốc. Đó là ngày 15 tháng 12 năm 1999 qua Nghị Quyết A/54/235, công nhận ngày trăng tròn tháng 5 là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết Bàn của Đức Phật. Nghị quyết quan trọng này có đoạn “Những lời dạy của Đức Phật và thông điệp về Từ bi, Hòa bình, Thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người… Thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của người Phật tử…”.
Có lẽ đã rất muộn màng so với một tôn giáo từng có mặt hơn ba ngàn năm ở trên dòng chảy nhân gian này; tuy nhiên, do tồn tại và phát triển bằng chính chân lý Từ bi, Vị tha, Giải thoát của mình nên Phật giáo đã dễ dàng hiện diện ở trong lòng mỗi con người kể từ khi góp mặt với cuộc đời, mặc cho bão táp phong ba. Lịch sử Phật giáo khắp mọi nơi đều có ghi lại đầy đủ những điều đó; và cũng chính vì vậy mà khi nhân loại đã ở mức sống tiến bộ, tính nhân văn được đề cao, thì chân lý Phật giáo tự dần sáng tỏ, mặc nhiên được thứa nhận. Vì vậy, sớm hay muộn đối với Phật giáo không phải là điều được mất, ngược lại chính vì vậy mới nói lên được giá trị của chính mình, còn lại là nhiều câu hỏi vì sao, tại sao không còn quan trọng.
Kể từ ngày lễ Tam Hợp Vesak được Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận và tự đứng ra tổ chức ngay tại trụ sở này ở New York hàng năm, ngoài những lần đó, Vesak còn được nhiều quốc gia đăng cai tổ chức tổ chức qua 24 lần kỷ niệm như Vương quốc Thái Lan có đến 15 lần đăng cai, một lần ở Srilanka và 3 lần ở Việt Nam. Với 15 lần ở Thái Lan, không chỉ đây là đất nước của Ngài Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) – GS-TS Hòa thượng Phara BrahmaPundit, mà còn là nơi có một truyền thống ảnh hưởng Phật giáo rất mạnh mẽ nhiều đời.
Với đất nước Việt Nam chúng ta, một đất nước có bề dày phát triển và ảnh hưởng rất sâu nặng Phật giáo hơn hai ngàn năm và người dân luôn sống trong tinh thần Từ, Bi, Hỷ, Xã ở nhiều mặt ngay từ trong lịch sử phát triển dựng nước và giữ nước rất vẻ vang. Sau ba lần tổ chức Đại lễ Vesak thành công, và lần này, năm 2025 là lẩn thứ tư. Đây là sự cố gắng rất lớn của người con Phật nơi đất nước hai ngàn năm Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước. Qua ba lần nói trên, Ban Tổ chức Đại lễ Vesak và GHPGVN luôn được sự hỗ trợ rất lớn về mọi mặt của chính phủ từ Trung ương đến địa phương. Điểm lại tóm tắt ba lần tổ chức trước:
Lần thứ nhất, Vesak 2008 được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với 87 đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới.
Lần thứ hai, Vesak 2014 tổ chức tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với 105 đại biểu đến từ các nước.
Lần thứ ba, Vesak 2019 được diễn ra tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với 112 đại biểu đến từ các quốc gia trên thế giới.
Rồi một định duyên như Vương quốc Thái Lan, thể hiện quốc gia mình có một nền văn hóa Phật giáo sâu đậm, Việt Nam chúng ta một lần nữa được vinh hạnh đứng ra tổ chức Đại lễ Vesak 2025 mà đơn vị đăng cai là Thành phố Hồ Chí Minh Đại lễ quan trọng lần này xuôi về phương Nam với niềm hân hoan to lớn, chia đều tâm tín thành hướng về ngày đức Phật đản sanh.
Thật ra nói như vậy không phải chúng ta phân biệt vùng địa lý mà chỉ là muốn đề cập đến vần đề do đặc thù địa lý đất Việt Nam chúng ta có chiều dài thẳng đứng nên cũng ít nhiều khiếm khuyết trong mỗi lần diễn ra Đại lễ; chứ thật ra ai cũng muốn cống hiến và trực tiếp chứng kiến ngày đại lễ quan trọng này bởi trong ba lần đăng cai tổ chức qua, tất cả những người con Phật cả nước đều chung tay, góp phần cho sự thành công viên mãn ấy nhiều màu sắc lợi ích.
Với lần thứ tư Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak 2025 còn mang theo nhiều ý nghĩa đặc biệt khác trong bối cảnh thế giới đang rất cần sự an bình và phát triển theo khát vọng của mọi người. Chính tiêu đề của Vesak 2025 đủ nêu bật ý nghĩa đó “Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững”. Và với đất nước đăng cai Vesak 2025 còn mang một dấu ấn đặc biệt nữa như lời Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội Đồng Trị Sư, kiêm Trưởng Ban Tăng Sự Trung Ương GHPGVN: “Đây cũng là thời khắc quan trọng để khẳng định sự đoàn kết các dân tộc với Phật giáo và những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Sự kiện này còn mang ý nghĩa to lớn, góp phần củng cố niềm tự hào và khát vọng phát triển Việt Nam một cách thịnh vượng và bền vững”. Ông Phan Văn Mãi, nguyên Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, nơi trực tiếp diễn ra Đại lễ Vesak 2025, khẳng định thêm ý nghĩa: “Đại lễ Vesak 2025 Liên Hiệp Quốc không chỉ có ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…”.
Logo chính thức của Đại lễ Vesak 2025
Đại lễ Vesak 2025 được diễn ra từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 5 năm 2025 tại Học viện PGVN ở TP.Hồ Chí Minh với chủ đề “Hòa hợp và bao hàm vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và sự phát triển bền vững”, không chỉ là kỳ vọng của Đại lễ mà còn là ước nguyện của hầu hết chúng sanh đang sống một thế giới đó đây còn chiến tranh và nghèo khó. Từ những thông tin về Đại lễ Vesak 2025, nghĩ và nhớ lại lứa tuổi của anh em chúng tôi được thêm một dịp hoài niệm bằng thực tế mùa Phật đản năm xưa.