Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

ĐỨC PHẬT, NGƯỜI THẮP SÁNG CON ĐƯỜNG HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI

 

PHẠM VĂN NGA

 

 

Lời người viết:

Bài viết này được trích ra từ tham luận “Cultivating Inner Peace as a Prerequisite for World Peace “(Nuôi dưỡng sự bình an nội tâm là điều kiện tiên quyết cho hòa bình thế giới) gồm 29 trang gửi tới BTC Vesak. Người viết nhấn mạnh trong phần tóm tắt: “Cuộc tìm kiếm hòa bình thế giới từ lâu đã là khát vọng chung của toàn nhân loại, nhưng tiếc thay con người ta vẫn chưa tìm ra nhân tố chính đem lại hòa bình dù có theo chủ thuyết nào hay triết lý nào đi nữa khi sự bình an nội tâm của từng cá nhân vẫn là một thách thức vì con người bị ràng buộc bởi tham, sân, si của chính lòng mình. Bài viết nhằm soi rọi một giải pháp thực tiễn giúp từng con người đạt đến sự bình an nội tâm, qua chánh niệm, thiền định, sự tĩnh lặng, tỉnh thức hay lòng bao dung… mà bài học của những tấm gương ngàn xưa từ đức Phật đến Trần Nhân Tông đã minh chứng rằng nuôi dưỡng sự an lạc tâm hồn là điều kiện tiên quyết để từng cộng đồng, đất nước và suy rộng ra cả thế giới đạt đến thái bình.

Bài tham luận này nêu bật những giáo lý sâu sắc của Đức Phật về hòa bình, bất bạo động và sự tôn trọng mọi sự sống. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình nội tâm và tự chủ như là phương tiện thực sự để vượt qua xung đột và thiết lập hòa bình thế giới.

1. Bình yên nội tâm

Bình yên nội tâm là trạng thái cân bằng về tinh thần và cảm xúc, trong đó cá nhân cảm thấy hài lòng, tập trung và không lo lắng. Cảm giác bình yên này không tồn tại riêng lẻ; nó ảnh hưởng sâu sắc đến cách mọi người tương tác với người khác. Một người vun đắp bình yên nội tâm tỏa ra sự bình tĩnh, hiểu biết và đồng cảm, nuôi dưỡng sự hòa hợp trong môi trường xung quanh họ. Khi những cá nhân như vậy hình thành cộng đồng, hiệu ứng lan tỏa của năng lượng tích cực của họ góp phần vào sự gắn kết xã hội rộng lớn hơn và cuối cùng tác động đến thế giới nói chung1.

Mặt khác, sự thiếu bình yên nội tâm thường biểu hiện dưới dạng sự thất vọng, tức giận và thù địch, có thể leo thang thành xung đột giữa các cá nhân hoặc xã hội. Lịch sử cho thấy các tranh chấp toàn cầu thường phát sinh từ các cá nhân hoặc nhà lãnh đạo bị thúc đẩy bởi nỗi sợ hãi, bất an hoặc cái tôi không được kiểm soát. Chúng ta thấy qua những cuộc chiến tranh thế giới khi các nhà lãnh đạo vì tham vọng cá nhân hay do những toan tính bất chấp nhân tình, sẵn sàng ném hàng vạn hàng triệu sinh mạng vào cuộc chiến chỉ vì tâm họ nặng oán thù, dục vọng. Do đó, giải quyết sự hỗn loạn bên trong của các cá nhân là một chiến lược quan trọng để ngăn ngừa các xung đột lớn hơn.

Một người có thể đạt được hòa bình nhờ đi theo con đường hòa bình, những người ta khó trở thành một sứ giả hòa bình nếu không biết sống hòa bình với người khác mà trước hết là đối với bản thân. Hòa bình là dấu hiệu của sự ổn định, bình an và do đó cũng là điều kiện cho sự phát triển hài hòa mọi phẩm chất ở trong con người, khiến người ấy được hoàn thiện về mọi mặt cả thể chất lẫn tinh thần. Bởi vậy, xử sự hòa bình cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và hài hòa của nhân tính. Trong ý nghĩa như vậy, việc đối xử hòa bình với tự thân là tuyệt đối cần thiết cho mục tiêu phụng sự hòa bình cho người khác. Một người cần có sức khỏe tốt mới có thể giúp người khác đạt được sức khỏe. Kinh Pháp cú dạy như vầy:

“Hãy làm cho kỳ được,

Những điều mình dạy người,

Khéo nhiếp mình, nhiếp người,

Khó thay tự điều nhiếp!”2

2/ Đức Phật: Sứ giả của hòa bình

Theo Hòa thượng Thích Tâm Minh: “Đức Phật là sứ giả hòa bình bởi Ngài có đầy đủ phẩm chất của một sứ giả hòa bình. Ngài xử sự hòa bình với mọi người và cũng khéo đối xử hòa bình với bản thân để có đủ sức khỏe và điều kiện tốt cho mục tiêu phụng sự hòa bình lâu dài. Ta có thể thấy điều đó ở Đức Phật mà những mô tả trước đây về nếp sống an tịnh của Ngài là một điển hình. Đức Phật là một con người hòa bình và xử sự hòa bình trong mọi trường hợp. Đối với bản thân. Ngài luôn giữ một thái độ sống hài hòa giữa thân và tâm mà thuật ngữ đạo Phật gọi là nếp sống trung đạo (ziihima-satipal), nghĩa là Ngài không nuông chiều bản thân hay cho phép nó rơi vào các ham muốn thái quá, Ngài cũng không bắt ép nó phải chịu nhiều nghịch cảnh đau đớn. Ngài sống nếp sống trung đạo. Ngài hiểu rất rõ mối liên hệ mật thiết giữa thân và tâm, giữa sức khỏe vật lý và sức khỏe tinh thần… Do đó, Ngài luôn luôn giữ một thái độ quân bình hài hòa giữa thân và tâm. Ngài đối xử thân thiện hòa bình với cả chính mình”3

Kết quả sự chứng ngộ Niết bàn hay tâm giải thoát tuệ giải thoát hết sức sâu sắc của Sa-môn Gotama dưới cội cây Assattha đã biến Ngài thành một con người tuyệt đối an tịnh (parinibbuto/parinibbày) và hoàn toàn làm chủ tâm thức của mình. Kết quả ấy được xác chứng một phần bởi chính Đức Phật, nhưng phần lớn thì được thấy rõ qua nếp sống hàng ngày của Ngài. Trong bản kinh Jivaka, Trung bộ và nhiều kinh khác, bậc Đạo sư xác nhận mình đã thoát khỏi tham, sân, si, đã chặt đứt chúng một cách hoàn toàn khiến chúng không còn sanh khởi, giống như cây Tala bị chặt đứt tận gốc rễ không thể mọc trở lại. Ngài cũng tuyên bố với Saccaka rằng Ngài đã giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, bởi tất cả các lậu hoặc liên hệ đến phiền não, sanh khởi hữu lậu, đưa đến khổ dị thục, hướng đến sanh, già, chết đã được Ngài cắt đứt tận gốc rễ. Phật dạy: ”Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc như vậy. Ta dẫn tâm hướng đến Lậu tận trí… Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu… ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”.4

Ngài tự nhận không bao giờ làm hại ai nên không ân hận điều gì. Dù có bị phiến đá đè, Ngài vẫn dùng chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nhịn không chịu để tâm tư buồn khổ. Khi Ác ma đến, Ngài vẫn ung dung nói:5

Mục đích ta đã đạt

Đâu có sầu muộn gì!

…Khi thức không âu lo,

Khi ngủ chẳng sợ hãi,

Ngày đêm không khởi lên,

Phiền não bận lòng ta?

Do đặc điểm này, Ngài được mô tả là người đạt được yên ổn an lạc (khemapattà sukhino), hiện tại tịch tịnh (ditthadhammabhinibbuttà), vượt qua mọi oán hận sợ hãi (sabberabhaỳatìtà), siêu thoát mọi đớn đau sầu khổ (sabbadukkham upaccagà).

Ở đây bậc chân nhân

Được thiên sứ báo động

Không bao giờ phóng dật,

…Được yên ổn an lạc,

Ngay hiện tại tịch tịnh,

Mọi oán hận sợ hãi,

Các vị ấy vượt qua;

Mọi đớn đau sầu khổ,

Họ đều được siêu thoát.6

Nếp sống an tịnh, chánh niệm, tự điều phục là đặc trưng của Đức Phật và chư vị thánh giả Phật giáo. Nó là phần thưởng cao quư của sự nỗ lực tâm linh đúng đắn mà mọi người đều có thể kỳ vọng nếu biết phát huy năng lực tự nội và điều phục thân tâm. Theo các mô tả truyền thống, th́ đó là sự an tịnh trầm lặng hoàn toàn của một người sống toàn tâm toàn ư với phút giây hiện tại, không vọng tưởng truy t́m quá khứ hay phóng tâm mong ước tương lai.7

Thế Tôn giảng cho các Tỳ kheo tại Savatthi, tinh xá Cấp Cô Độc:

Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng,

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến.

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.8

Sự an bình tuyệt đối của một người mà tâm thức không còn luyến ái, không còn chống đối độc lập, không trói buộc, giải thoát, không hệ lụy đối với bất cứ điều gì. Sự tịch tịnh hoàn toàn của một người không còn tham, sân, si, không ái luyến, không chấp thủ, có trí tuệ, không thuận ứng, nghịch ứng, không ưa hý luận, không thích hý luận. Đó là nếp sống của một người đã thoát khỏi mọi hý cầu, được tịch tịnh, được thanh lương, cảm thấy an lạc, rõ biết mình đã thoát khỏi tham, sân, si.

Chúng ta hiểu rằng Đức Phật luôn luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác, sống an trú vào thời khắc hiện tại hay còn gọi là sống với thực tại, sống với những gì đang là9. Ngài chú tâm nhận biết và thức tỉnh thường xuyên về pháp hiện tại, cái đang là, không bận tâm tìm kiếm những gì đã qua hay vọng tâm mong cầu những gì chưa đến. Ngài sống toàn tâm toàn ý với thực tại đang trôi chảy…

3/ Điều kiện để có an bình trong tâm

Như vậy chúng ta thấy để đạt an bình nội tâm cần phải có:

– Chánh niệm

– Thiền định

– Sự tĩnh lặng

– Kiểm soát cảm xúc

– Kết nối với tha nhân

– Phát triển lòng từ bi và sự nhẫn nại

– Cảm thấy tự do nội tại: Tham, sân, si không còn trói buộc ta một khi ta tĩnh lặng chiêm nghiệm và quán sát, giúp ta cảm thấy tự do hơn.

– Hạnh nhẫn nhục có thể đối trị trực tiếp sân hận nhưng chỉ có trí tuệ Tính không mới tận trừ được sân hận.

4/ Cội nguồn chiến tranh

Về vấn đề này, những lời trong bản kinh Đại khổ uẩn, Trung bộ, giúp ích cho chúng ta rất lớn. Trong bản kinh này, Đức Phật chỉ rõ chiến tranh xung đột xảy ra do lòng tham của con người đối với các dục lạc, nghĩa là do lòng ham muốn thỏa mãn các đối tượng hấp dẫn thuộc giác quan như sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, cảm xúc êm dịu mà con người rơi vào tranh chấp, tranh đoạt, chiến tranh, tàn sát lẫn nhau. Nói khác đi, chính sự khao khát thỏa mãn các thú vui giác quan hay tham dục là đầu mối của chiến tranh xung đột xảy ra giữa con người và con người, giữa các tầng lớp xã hội hay giữa các quốc gia. Bản kinh nêu rõ:

“Này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-ly tranh đoạt với Sát-đế-ly, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà- la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn thân vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ công phá nhau bằng tay, họ công phá nhau bằng đá, họ công phá nhau bằng gậy, họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân… họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn nhau bằng tên, họ đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây, họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong”10.

Tôn giả Maha kaccàna (Ca Chiên diên) làm rõ hơn chủ trương hòa bình của bậc Đạo sư khi nói rằng chiến tranh do duyên sinh do con người thường xuyên tiếp xúc với ngoại giới, và do đó cũng do duyên diệt… Từ quan điểm duyên sinh, Mahà kaccàna nói tiếp rằng chiến tranh sẽ chấm dứt, không hiện hữu, nếu các duyên hay điều kiện hỗ trợ cho nó sinh khởi không có mặt hay bị loại trừ.

Phật dạy: “Dao động, này các Tỳ kheo, là tham. Dao động là mụn nhọt. Dao động là mũi tên. Do vậy, các Tỳ kheo, các ông cần phải học tập: Tôi sẽ sống với tâm không dao động”11.

Như vậy, theo Đức Phật, tham hay lòng ham muốn thỏa mãn các khoái lạc giác quan là nguyên nhân của mọi tranh chấp, xung đột và chiến tranh khổ đau. Từ quan điểm chiến tranh khổ đau do nhân tham dục, Đức Phật chủ trương chấm dứt chiến tranh, thiết lập hòa bình bằng con đường ly dục, điều phục lòng tham, chế ngự và đoạn tận lòng ham muốn.

Một văn cảnh khác nêu rõ tham sân si là cội nguồn của mọi ý tưởng và hành vi bất chánh, khiến con người trở thành mù lòa, gây khổ đau cho mình cho người, dự phần vào phiền não khổ đau, không đưa đến an lạc hòa bình. Do đó, Đức Phật chủ trương đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si

“…Thấy sự nguy hại này của tham, thưa Hiền giả, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận tham. Thấy sự nguy hại này của sân, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận sân. Thấy sự nguy hại này của si, chúng tôi tuyên thuyết đoạn tận si”12.

5Làm sao kiến tạo hòa bình?

Trong vô số những lời dạy của Ngài, lập trường hòa bình của Đức Phật biểu lộ sâu sắc trong nhiều câu chuyện. Tuyển tập Phật tự thuyết (Udàna), Tiểu bộ13, chép câu chuyện Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, Ngài đi đến các thiếu niên ấy, nói với chúng:

“Này các thiếu niên, các con có sợ đau khổ không? Các con không ưa thích khổ phải không?”.

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ”.

Rồi Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên lời này:

“Nếu ngươi không ưa khổ,

Dầu bất cứ chỗ nào,

Chớ làm các nghiệp ác,

Trước mặt hay sau lưng.

Nếu ngươi làm, sẽ làm,

Các nghiệp ác, bất thiện,

Ngươi không thể thoát khổ,

Dầu nhảy vọt hay chạy14.

Trong khi sự bình yên nội tâm bắt đầu như một sự theo đuổi cá nhân, tác động tập thể của nó không thể được cường điệu hóa. Hãy tưởng tượng một thế giới mà các trường học ưu tiên trí tuệ cảm xúc, các doanh nghiệp khuyến khích chánh niệm và các chính phủ nhấn mạnh lòng trắc ẩn trong việc hoạch định chính sách. Một sự thay đổi như vậy sẽ tạo ra một nền văn hóa mà hòa bình không chỉ là một lý tưởng mà là một hiện thực sống động.

Bản kinh Mật hoàn, Trung bộ, cho biết quan điểm và chủ trương hòa bình của Ngài, trong đó Ngài khẳng định một người hòa bình là một người không còn bị trói buộc bởi dục vọng, không bị ám ảnh bởi các vọng tưởng, không có nghi ngờ do dự đối với điều gì, đã đoạn diệt mọi lo lắng dao động, không còn tham ái đối với hiện hữu và không hiện hữu, không tranh luận với một ai ở đời. Đồng thời, nêu rõ hý luận vọng tưởng (papañcasannasankhà) là nguyên nhân của mọi tranh chấp, chiến tranh và chỉ rõ cách thức loại bỏ chiến tranh, thiết lập hòa bình, là không tùy hỷ, đón mừng và chấp thủ các hý luận vọng tưởng sanh khởi. Lời giải thích này cũng gián tiếp cho thấy chiến tranh do duyên sanh, bắt nguồn trong tâm thức con người – sự dấy khởi và vận hành của tham, sân, kiến, nghi, mạn, hữu tham, vô minh do duyên hý luận vọng tưởng hay do bị ám ảnh bởi ngã tưởng “tôi là”.

6. Thái độ tôn trọng sự sống và môi trường sống của tất cả chúng sinh

Thái độ tôn trọng sự sống cũng như môi trường sống của tất cả chúng sinh là một đặc điểm khác nói rõ con người hòa bình và tấm lòng yêu quý hòa bình của Ngài. H. W. Schumann nêu nhận xét rằng từ bi là nét chính trong tính cách của bậc Đạo sư. “Đức Phật có tâm từ rộng lớn hướng đến mọi cảnh giới của sự sống…15. Ngài tôn trọng sự sống và hạnh phúc của mọi loài bởi một lẽ duy nhất:

Ai mưu cầu hạnh phúc,

Bằng cách hại chúng sanh,

Các loài thích an lành,

Ðời sau chẳng hạnh phúc.16

Nghĩa là “Tất cả chúng sinh đều yêu quý mạng sống, lo sợ sự chết, mong muốn hạnh phúc, chán ghét khổ đau”. Ngài chứng nghiệm với tâm mình rằng mỗi chúng sinh đều rất ái luyến tự ngă (nghĩa là mong muốn được b́nh yên); do đó, theo Ngài, nếu người ta đă yêu quý tự ngã của mình thì chớ làm hại tự ngã người khác.17

Ngài phản đối chiến tranh, xem việc chinh phục người khác bằng vũ lực là hạ sách, chỉ chồng chất thêm oán thù. Ngài kêu gọi hòa bình, cho rằng tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất, hơn thắng cả ngàn quân địch ở chiến trường.

Dầu tại bãi chiến trường,

Thắng ngàn ngàn quân địch,

Không bằng tự thắng mình,

Chiến công ấy – kỳ tích!18

Ngài từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót và tôn trọng hạnh phúc của tất cả chúng sinh và loài hữu tình. Ngài tránh làm tổn hại các mầm sống và không gây thương tổn các loài cây cỏ. Ngài sống gần gũi và hài hòa với thiên nhiên, cảm nhận tánh linh của các loài thảo mộc và nỗi lo lắng sợ hãi của chúng khi bị đe dọa xâm hại. Ngài xác nhận an trú lòng từ đối với mọi cảnh giới với tâm niệm không làm tổn hại các chúng sinh ở trong đó.

Ngoài nếp sống hòa bình của tự thân và những cống hiến lớn cho mục tiêu hòa bình lâu dài thông qua những lời dạy sáng suốt và đầy từ tâm của Ngài, Đức Phật cũng trực tiếp hoặc gián tiếp can ngăn những cuộc giết hại, tranh chấp và chiến tranh xảy ra trong thời đại của Ngài.

Các phong trào thúc đẩy hòa bình nội tâm, chẳng hạn như Ngày Quốc tế Hòa bình và các sáng kiến thiền toàn cầu, đã mở đường. Những nỗ lực này nhắc nhở chúng ta rằng các hành động cá nhân – cho dù thực hành lòng biết ơn, giải quyết xung đột một cách hòa bình hay chỉ đơn giản là hiện diện- góp phần vào một nền văn hóa hòa bình lớn hơn.

7. Kết luận

Nuôi dưỡng bình an nội tâm là nền tảng để đạt được hòa bình thế giới. Nó bắt đầu bằng sự tự nhận thức, phát triển thông qua lòng trắc ẩn và mở rộng thông qua hành động tập thể. Mỗi cá nhân đều có sức mạnh ảnh hưởng đến thế giới bằng cách nuôi dưỡng sự hòa hợp bên trong chính họ. Bằng cách nắm lấy trách nhiệm này, nhân loại có thể tiến gần hơn đến một tương lai mà hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của xung đột mà còn là sự hiện diện của sự hiểu biết và thống nhất thực sự. Như câu nói, “Hòa bình bắt đầu bằng một nụ cười”, nhưng nó phát triển mạnh mẽ thông qua cam kết không lay chuyển đối với sự thanh thản bên trong và cuộc sống từ bi.

“Vui thay, chúng ta sống,

Không hận, giữa hận thù!

Giữa những người thù hận,

Ta sống, không hận thù!”19

Vậy đó, thế giới bình yên khi tâm con người bình yên “Tâm bình, thế giới bình”.

Đức Phật Di Lặc hiện thế khi lòng ta hoan hỷ, bao dung, từ ái, chia sẻ và cảm thông nhau.20

Tại sao chúng ta không tự cùng nhau xây dựng hòa bình thế giới bắt đầu từ trong tâm thức mỗi người để thấy cuộc đời đáng yêu và đáng sống biết bao khi hình ảnh và lời dạy của Đức Phật vẫn vọng lại trong ta, quanh ta, hiện thể và hộ trì ta theo những thiện ý, thiện nghiệp mà ta đang thực hiện trong từng giây phút tồn tại trên mặt đất này. Lời kinh xưa vẫn còn nguyên giá trị vĩnh hằng nhắc nhở ta: An bình nội tâm là điều kiện tiên quyết cho hòa bình thế giới.

 


1. Bảo Thu, Giá trị thật sự cuộc đời là sự bình yên trong tâm hồn, Tạp chí Petro Times (11/05/ 2018) truy cập ngày 20/12/2024 tại http:// petrotimes.vn

2. Kinh Pháp cú, kệ số 159, phẩm Tự ngã, truy cập ngày 12/01/2025 tại https:// daotrangtuphat.com/pham-tu-nga-phap-cu-159/

3. Thích Tâm Minh (2018), Đức Phật, Vị sứ giả hòa bình, NXB Hồng Đức, tr.94 .

4. Xem Đại Kinh Saccaka, Trung bộ (2020), HT THích Minh châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 274-275.

5. Kinh Phiến Đá, Tương ưng bộ (Samyutta Nykaya) ( 1999) HT THích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 245-246.

6. Kinh Thiên sứ, Trung bộ (2012),HT Thích Minh Châu dịch,NXB Tôn giáo, tr.1009- 1010.

7. Kinh Nhất dạ hiền giả, Trung bộ (2012), HT Thích Minh châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 1011-1013.

8. ibid

9. Ban Lien Huu, Đưa tâm trở về với Chánh niệm, truy cập ngày 12/01/2025 tại https:// daitunglamhoasen.vn/blog/tin-tuc-2/dua-tam-tro-ve-voi-chanh-niem-99

10. Đại kinh Khổ uẩn, Trung bộ, (Majjhima -Kikàya) (2020), HT Thích Minh Châu dịch, tr. 103.

11. Kinh Bó Lúa, Tương Ưng bộ (Samyutta Nykàya) (2013) HT THích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, tr.272

12. Kinh Channa, Tăng chi bộ (Anguitara Nikàya )(2003) HT Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, tr. 196-197

13. Kinh Tiểu Bộ, (2022), (Khuddaka Nykaya ), phẩm Thiếu niên, dịch giả: HT Thích Minh Châu, NXB Hồng Đức, KN 150.

14. Phật Tự thuyết, Tiểu bộ kinh, (1999), HT Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn giáo, KN 150

15. ‘H. W. Schumann, The Historical Buddha, Jainendra Prakash Jain at Shri Jainendra Press, tr.203.

16. Pháp Cú, kệ 130

17. Kinh Mallika, Tương ưng bộ. (Samyutta Nykàya) (2020), HT THích Minh Châu dịch, tr. 173-174.

18. Pháp Cú, kệ 103.

19. Kinh Pháp cú, kệ 197

20. Nguyên Cẩn, (2014) Ước mơ và hiện thực, truy cập ngày 15/12/2024 tại https:// giacngo.vn/uoc-mo-va-hien-thuc-post24585.html

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi