HIỆN THỰC HÓA NGUỒN TUỆ GIÁC CỦA PHẬT GIÁO
VÌ MỘT THẾ GIỚI HÒA BÌNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
MINH QUANG
Đại lễ Vesak 2019 được tổ chức ở Việt Nam.
Nhìn lại quá trình hành đạo của Thái tử Tất Đạt Đa, với đỉnh cao là 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề cho đến khi nhìn thấy ánh sao mai hé mọc vào rạng sáng ngày thứ 49, Ngài hoát nhiên thấu triệt bản tâm thanh tịnh, chứng thực tướng nhân sanh vũ trụ, thành bậc Đẳng Chánh Giác, bậc thầy của thiên nhân với đầy đủ mười danh hiệu tôn quý: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ. Điều Ngư Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.
Trong mười danh hiệu cao quý của đấng Đại Giác Thế Tôn, thì “Điều ngự trượng phu” là khả năng điều phục và chế ngự của bậc đại trượng phu, Đức Phật không chỉ tự điều phục và chế ngự tâm mình, mà Ngài còn khéo điều phục tất cả chúng sinh, Ngài đã giúp con người xả ly tham ái phiền trược, thức tỉnh thế nhân hướng đến chân trời giác ngộ, mang đến nguồn sống chân hạnh phúc.
Liên kết chuỗi hành trạng trong suốt cuộc đời của Đức Phật từ ngày Đản sanh, thành tựu đạo quả Bồ Đề, cho đến Niết bàn đều mang ý nghĩa tỉnh thức, là hành trình khai sáng nguồn tuệ giác trong đời sống nhân sinh, đã trở thành một đại sự kiện lịch sử thiêng liêng trọng đại vô tiền khoáng hậu và vĩ đại nhất trong đời sống nhân loại. Đặc biệt, sau ngày thành đạo, Đức Phật đã không ngừng hoằng pháp độ sanh, vì lợi ích chư thiên và nhân loại, cùng với sự hiện diện của Tăng bảo, thì Pháp bảo Tam Tạng thánh điển chính là gia tài đồ sộ và vô giá mà Ngài để lại cho đời.
Chính ý nghĩa thiêng liêng thiết thực đó, vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, trong phiên họp lần thứ 54, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chính thức công nhận Đại lễ Phật đản hằng năm là ngày “Phật giáo Thế giới”, là Lễ Hội Văn Hóa Tôn Giáo có ý nghĩa thiêng liêng thiết thực bởi thông điệp hóa giải hận thù, giải thoát khổ đau, vị tha nhân ái, hòa bình hạnh phúc mà tinh thần và hoạt tính cao cả của Đại lễ Phật đản mang đến cho nhân loại.
Năm 2025, đây là lần thứ tư, Đại lễ Vesak LHQ 2025, sẽ được diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là năm kỷ niệm 50 năm ngày đất nước Việt Nam được hòa bình thống nhất. Có thể nói, đây vừa là dịp để Chính phủ và nhân dân Việt Nam nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, vừa thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh của các thế hệ đi trước để Việt Nam có được độc lập, tự do, an bình, hạnh phúc và phồn thịnh như hôm nay. Đồng thời, còn mang một ý nghĩa to lớn, đó là thời khắc quan trọng để Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm cầu nối gắn kết Phật giáo với các dân tộc trên toàn thế giới, với kỳ vọng là cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới cùng thể hiện trách nhiệm cao cả, chung tay kiến tạo một thế giới hòa bình và phát triển bền vững.
Phật lịch 2569, ngày trăng tròn tháng Tư năm Ất Tỵ – 2025, Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam cùng những người con Phật của 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới quy tụ về đất nước Việt Nam thân thương cùng đón mừng ngày Khánh đản Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, qua đó tăng cường sự hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa các trường phái Phật giáo, xây dựng nhịp cầu hợp tác giữa các quốc gia nhằm góp phần mang lại hạnh phúc và nguồn an lạc.
Tính đến nay, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã tổ chức 24 lần Vesak LHQ tại New York, trong khi đó, cộng đồng Phật giáo thế giới tổ chức thành công 19 lần Đại lễ Vesak LHQ với các chủ đề khác nhau, và tuy có sự biểu đạt ngôn ngữ khác nhau nhưng mục tiêu các chủ đề Đại lễ Vesak LHQ vẫn luôn hướng đến một thế giới hòa bình.
Lần này, Đại lễ Vesak LHQ 2025, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh dự được Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak LHQ (ICDV) trao quyền đăng cai tổ chức với chủ đề: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, qua đó cho thấy, Đại lễ Vesak lần này đặc biệt nhấn mạnh thúc đẩy hòa bình, công bằng và phát triển bền vững, đồng thời tập trung vào mục tiêu giải quyết các xung đột thông qua hòa giải và sự hiểu biết lẫn nhau.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Mục đích của đạo Phật là giải thoát thoát khổ đau cho con người, thông qua giáo lý Tứ Diệu Đế. Chúng tôi nhận thấy, sở dĩ một bộ phận lớn trong xã hội vẫn còn bất an, xung khắc, thù hận, vẫn không thoát vòng luân hồi khổ đau, đó là vì không nhận ra bản chất của khổ, nguyên nhân và con đường đi đến sự diệt khổ, vì không nhận ra điều này ắt sẽ không thoát khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn. Trong sự bế tắc tưởng chừng không một tia sáng hy vọng cho sự giải thoát, thì giáo lý Tứ Thánh Đế được Đức Phật thuyết giảng như một cơn mưa lớn trong bối cảnh đời sống tâm linh của nhân loại đang trong thời kỳ hạn hán.
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, đây là Tập đế: Chính sự khát ái hiện hữu đưa đến tái sinh, kèm theo dục lạc, tham ái, nó cứ tìm kiếm khắp nơi sự dục lạc, sự khao khát dục lạc, sự khao khát được hiện hữu, sự khao khát của cải… Này các Tỳ kheo, đây là Diệt đế: dập tắc sự khát khao ấy, do sự tiêu diệt hoàn toàn các dục vọng, bằng cách loại trừ dục vọng, từ chối nó, thoát ra khỏi nó, không dành chỗ nào cho nó… Này các Tỳ kheo, đây là Đạo đế: Đây là Bát Chánh đạo tức là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định”…1
Thông qua Đạo đế – Bát Chánh đạo, Đức Phật hướng dẫn người Phật tử một quan niệm sống cao đẹp và thánh thiện bằng việc thực hành ngũ giới và làm theo tám lời khuyên quý báu. Khi nhớ nghĩ, quán chiếu và thực hành Bát Chánh đạo sẽ phát sinh trí huệ và tâm hồn an ổn, nhờ đó không rơi vào trạng thái cực đoan, tà kiến… Bát Chánh đạo như tám cột trụ đồng vững chãi xây dựng tòa nhà tràn đầy Phật chất từ bi và trí tuệ ngay trong tâm trí mỗi người con Phật. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày, cụ thể là giữ gìn ngũ giới và thực hành Bát Chánh đạo, mới mong đạt được sự an lạc hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, khi tiếp cận chủ đề “Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững”, trong không gian chung đó, trong đối tượng để chúng ta tiếp cận và vận dụng một cách khoa học nguồn tuệ giác của Đức Phật đi vào đời sống, thì chúng ta đều sẽ phải bắt đầu từ lý duyên khởi và quy luật nhân quả luôn vận hành trong cuộc sống.
Theo lý duyên khởi và xét thực tế đời sống mỗi chúng ta, cái này hiện diện sẽ kéo theo cái kia, cái kia sinh ra rồi cũng sẽ bao hàm nhiều thứ khác, duyên khởi bất tận. Theo đó, nhân quả sẽ nối kết trùng trùng, khiến một vấn đề phát sinh dường như bao hàm mọi vấn đề, điều này quả thật là phức tạp.
Sự phức tạp đó vốn phát sinh từ vô minh, tồn tại cùng bản ngã và cố chấp, nó ngày càng phát triển theo chiều hướng tiêu cực bởi tham vọng và thù hận. Nếu chúng ta hoàn toàn không tỉnh giác chánh niệm, thì nó sẽ không ngừng phát triển trong thực trạng chúng ta mất quyền kiểm soát, nhất là trong đời sống chúng ta gồm toàn những nội dung tương khắc, xung đột, bất an, đau khổ. Khi mà xu hướng của tư tưởng và nội dung chứa đựng trong ý nghĩ chúng ta lại đi theo sự dẫn dắt bởi nghiệp lực, theo sự khống chế sai khiến bởi tam độc tham, sân, si, bởi bản ngã cố chấp, bởi sự vô cảm lạnh lùng của chúng ta trước những vấn nạn thời đại, thì khó tìm được sự an lạc.
Chính vì vậy mà cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề buộc chúng ta phải quan tâm giải quyết. Mỗi lúc, mỗi thời, các vấn đề không ngừng phát sinh, ngày càng nhiều, càng phức tạp, cứ chồng chéo lên nhau. Nếu mơ hồ và mất chánh niệm sẽ khiến chúng ta có cảm giác sẽ không bao giờ có thể giải quyết một cách mạch lạc và dứt điểm tận nguồn cơn những nguyên nhân gây nên khổ đau trong đời sống.
Trong Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Duyên (Mahà Nidàna Sutta), Đức Phật dạy về pháp Duyên Khởi như sau: “Này Ananda, giáo pháp Duyên Khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-da) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”2. Việc vận dụng lời Phật dạy cho thấy, Phật giáo ý thức sâu sắc tính phức tạp của các vấn đề phát sinh trong một thế giới trùng trùng duyên khởi như thế giới chúng ta đang sống, đồng thời qua đó cũng gợi mở một hướng tiếp cận và giải quyết xác đáng bằng việc kêu gọi con người cần nắm bắt quy luật Duyên sinh của mọi hiện hữu, của mọi vấn đề trong cuộc sống.
Tuy nhiên, điều quan trọng và cốt lõi của vấn đề là chúng ta định hướng hành động thế nào trước một quy luật như vậy, và câu trả lời ngắn gọn nhưng cũng rất cụ thể, đó là “Không làm mọi điều ác, thành tựu các hạnh lành, giữ tâm ý trong sạch”3 và là lời khuyên hành động của Đức Phật để xây dựng một mẫu người đạo đức chuẩn mực, kiến tạo một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Như vậy, chính nhận thức quy luật Duyên sinh vô thường về tự thân, và về cuộc sống, sẽ cho phép chúng ta đi đến một quyết định hành động đúng đắn nhất, cho dù phải sống trong những hoàn cảnh phức tạp nhất.
Trong kinh tạng Pàli, chúng tôi xin lược trích một mẫu đối thoại giữa Đức Phật và vua Pasenadi nước Kosala xoay quanh quy luật vô thường sinh diệt của cuộc đời và thái độ của người hiểu biết trước thực trạng này. Chuyện rằng, khi Đức Phật hỏi vua Pasenadi: “Thưa Đại vương, một khủng bố lớn khởi lên cho Đại vương, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời Đại vương có thể làm được gì?”. Câu trả lời của vua Pasenadi là: “Bạch Đức Thế Tôn, một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại thật khủng khiếp, được tái sanh làm người thật khó khăn, thời con có thể làm được những gì, ngoại trừ sống đúng pháp, sống chơn chánh, làm các hạnh lành, làm các công đức”…4
Trên đây, chúng tôi trích dẫn vài câu pháp thoại ngắn gọn, nhưng bao hàm mọi vấn đề thời đại, để nói lên rằng, việc nắm bắt sự thật duyên sinh, vô thường, là một cơ hội và cũng là thách thức lớn để con người hoàn thành các mục tiêu tốt đẹp nhất của cuộc đời. Nhận thức này sẽ cho thấy, dù chúng ta không thể thay đổi sự thật sinh diệt vô thường của cuộc đời, nhưng chúng ta vẫn có thể làm thay đổi con người, thay đổi cuộc đời và thay đổi cả thế giới bằng tư tưởng, ý chí, và bằng hành động cụ thể là mỗi chúng ta quyết không tạo điều ác, không làm rối loạn thêm cho cuộc đời bởi những hành vi thiếu cân nhắc hay vị kỷ. Mặt khác, nhận thức duyên sinh, vô thường, cũng sẽ là cơ hội để chúng ta nỗ lực làm điều tốt, làm điều lành, kiến tạo hạnh phúc an lạc cho tự thân và cho cuộc đời…
Đức Phật là hiện thân hòa bình và đạo Phật là biểu tượng của thế giới hòa bình, trong vai trò sứ giả hòa bình, trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, Ngài đã tận tụy và không ngừng dựng xây một thế giới hòa bình, điều đó được thể hiện một cách cụ thể qua đời sống đạo đức bằng những đức tính ưu việt từ bi hỷ xả và qua những lời dạy vàng ngọc của Ngài được ghi chép lại một cách đầy đủ trong kinh tạng Pali.
Nói rằng Đức Phật là một con người hòa bình, bởi Ngài chiến thắng bản ngã, dứt sạch tham sân si, sống nếp sống an tịnh, không tranh luận và tranh chấp với bất kỳ một ai và bất cứ đạo giáo nào. Ngài sống bình an và chan hòa với mọi người, mọi loài bởi tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) nơi Ngài đối với hết thảy chúng sinh là bao la không ngằn mé. Ngài tôn trọng sự sống và môi trường sống của muôn loài, bởi Ngài cảm nhận sâu sắc tâm lý tham sống sợ chết luôn tồn tại nơi mỗi người, và tâm ưa thích sự an lạc, cũng như chán ghét khổ đau của tất cả chúng sinh.
Đức Phật luôn khuyến khích mối liên hệ tương giao hòa bình giữa con người với nhau và giữa các loài cộng sinh nhằm mang lại một đời sống hạnh phúc bền vững. Đời sống của đức Phật và của Tăng đoàn luôn là tấm gương sáng về nếp sống an tịnh, những lời dạy từ tâm và đạo đức giải thoát của Ngài không ngừng tạo cảm xúc và đánh thức tâm tưởng hòa bình trong đời sống nhân loại. Bốn đức tính cao thượng từ, bi, hỷ, xả và đời sống giới hạnh đạo đức thanh cao của Đức Phật và Tăng chúng luôn gợi mở cho loài người những cảm xúc ý nhị và suy nghĩ tích cực về một đời sống hòa bình thân thiện…
Trong giáo lý đạo Phật có câu “Tâm an thế giới an. Tâm bình thế giới bình”. Hòa bình chính là trạng thái an lạc của tâm hồn, biểu hiện của hòa bình nơi mỗi con người là sự bao dung tha thứ, tôn trọng nhân phẩm con người, là sự thanh thản, hoan hỷ, là không bạo động, không chiếm đoạt, không giận dữ, không gây thù hận và chiến tranh. Thật ra, trạng thái “Tâm an thế giới an. Tâm bình thế giới bình” luôn ngự trị và sẵn có nơi mỗi con người. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh thức nó, nuôi dưỡng và phát triển nó, nhất là trong bối cảnh con người không ngừng đối đầu nhau, tranh chấp lẫn nhau, ngày càng leo thang chiến tranh, gây nên cảnh chết chóc đau thương.
Khi trạng thái tâm an bình nơi mỗi con người được củng cố và phát triển, thì thế giới chắc chắn sẽ không còn hận thù, bạo động và nguy cơ xảy ra chiến tranh. Từ muôn đời nay, một cõi lòng bình an và một thế giới hòa bình hạnh phúc vẫn mãi là khát vọng khôn nguôi của nhân loại.
Nhìn lại lịch sử Phật giáo, chúng ta thấy rất rõ đạo Phật chính là con đường tuệ giác của nhân loại, đặc tính nổi bật là nền tảng đạo đức và sự thiết tha trân quý nền hòa bình thế giới. Trải qua trên 2.550 năm hình thành, tồn tại và phát triển, sự thật thì trong lịch sử đạo Phật, chưa từng có một trường hợp, một quan điểm nào mà đạo Phật bào chữa cho chiến tranh, hoặc một ý niệm, hay một sự kiện bạo tàn nào được tìm thấy trong đạo Phật, cho đến một cuộc chiến tranh dù là bênh vực cho quyền lợi của đạo Phật cũng hoàn toàn không có. Nói như vậy để tất cả chúng ta cùng hiểu rằng, có đạo Phật thì không có chiến tranh.
Đức Phật dạy: “Hận thù diệt hận thù, Ðời này không thể có, Từ bi diệt hận thù, Là định luật nghìn thu”5. Và chủ trương hòa bình vô điều kiện của đức Phật biểu lộ trong Kinh Pháp Cú, Ngài diễn tả bất bạo động là phương tiện chấm dứt thù nghịch sân hận: “Nó làm nhục tôi, tấn công tôi! Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!” Ai chứa trong lòng tư tưởng ấy. Hận thù như vậy chẳng hề nguôi “Nó chiến thắng tôi, cướp của tôi!”. Không chứa trong lòng tư tưởng ấy. Hận thù như vậy sẽ dần nguôi. Các mối hận thù trong thế gian. Chẳng hề tiêu diệt bởi lòng sân. Vô sân trừ khử niềm uất hận. Định luật muôn đời của cổ nhân”6.
Đạo Phật đối với nền hòa bình nhân loại, chúng ta có thể liên hệ đến cách ứng xử của Đức Phật với những người quyền quý, những người có ảnh hưởng trực tiếp đến thịnh suy của đất nước, chúng ta có thể nhận thấy nhân cách văn hóa tuyệt vời của Đức Phật trong những lời khuyên rất sâu sắc khi vua A Xà Thế. Sau khi đã quy y Phật, vua A Xà Thế đến tham kiến đức Phật và xin Ngài cho ý kiến về việc muốn cất binh xâm chiếm nước Bạt Kỳ. Lần đó, Đức Phật đã khéo léo phản đối cuộc chiến bằng cách nêu ra 07 mặt mạnh của nước Bạt Kỳ, mà theo Ngài là xưa nay chưa từng có một quốc gia nào dám xâm chiếm, những điểm mạnh đó là: (1) Thường hội họp nhau để giải quyết vấn đề chung của quốc gia. (2) Đoàn kết thuận hòa với nhau. (3) Thi hành đúng theo pháp luật chế định. (4) Tôn kính bậc trưởng thượng. (5) Kính nể hàng phụ nữ. (6) Bảo tồn các đền thờ trong xứ. (7) Sùng bái các bậc tiền nhân.
Sau đó, Đức Phật khuyên vua A Xà Thế không nên cất binh đánh nước Bạt Kỳ. Ở đây, chúng ta thấy rất rõ về quan điểm của Đức Phật về chiến tranh và cách ứng xử của Đức Phật nhằm can ngăn một cuộc chiến. Qua đó, chúng ta nhận ra rằng, Đức Phật là một bậc trí tuệ giác ngộ, với đầy đủ phương tiện thiện xảo để giáo hóa chúng sanh, đồng thời Ngài cũng là một con người tràn đầy đạo đức và nguồn tình cảm dạt dào tha thiết dành cho thế gian. Trên thực tế, qua cách ứng xử của Ngài thì rõ ràng là Ngài chưa hề xa lánh cuộc đời, và cũng chưa hề bị đời sống thế gian làm vấy bẩn.
Đức Phật và vua A Xà Thế. (Ảnh minh họa)
Trong Kinh Tăng Nhứt A Hàm, đã ghi lại cách ứng xử của Đức Phật đối với các đấng quân vương rằng, Đức Phật đã đặt lợi ích quốc gia và sự bình yên của dân chúng lên trên hết. Ngài đã dạy bổn phận của một vị lãnh tụ quốc gia, nếu muốn trở thành một bậc minh quân, đem lại hòa bình thịnh vượng cho đất nước, ấm no hạnh phúc cho toàn dân, thì phải thực hiện 10 điều: (1) Thanh liêm. (2) Nghe lời can gián của người khác. (3) Thi ân cho nhân dân. (4) Thu thuế đúng pháp luật. (5) Phòng the phải nghiêm túc. (6) Không say sưa rượu chè. (7) Siêng năng nghiêm chỉnh. (8) Xét xử nghiêm túc công bằng. (9) Hòa hợp với quần thần. (10) Giữ gìn sức khỏe bản thân… Đây là lời dạy giá trị và hữu hiệu cho bất cứ một nguyên thủ quốc gia nào muốn trị quốc an dân. Tất cả những việc làm của Đức Phật, điều duy nhất là vì hạnh phúc và hòa bình cho nhân loại.
Đức Phật chủ trương hòa bình, quý trọng sự sống muôn loài bởi một lẽ cuộc đời vô thường và đời người chỉ trong gang tấc. Ngài nhấn mạnh sự mong manh vô thường của đời người để kêu gọi lối sống hướng thiện, sống chơn chánh, có ý nghĩa. Ngài tán đồng quan điểm của Quốc vương Pasenadi cho rằng trong cục diện con người bị già chết chinh phục, thì tốt hơn cả là nên sống chơn chánh hòa bình, nỗ lực làm điều thiện, làm các việc công đức. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy: “Này Bà-la-môn, ít ỏi là đời sống của loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, đời sống phạm hạnh…; Ví như, này Bà-la-môn, con bò cái sắp bị giết, được dắt đến lò thịt, mỗi bước chân giơ lên là bước gần đến bị giết, gần đến chết. Cũng vậy, này Bà-la-môn, ví dụ với con bò cái sắp bị giết là đời sống con người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu não. Hãy giác ngộ! Hãy làm điều lành, hãy sống Phạm hạnh”7…
Đức Phật kêu gọi hòa bình hòa hợp, không tranh chấp, không tranh luận. Ngài cho rằng, không có gì đáng để người ta phải tranh hơn thua trong cục diện một thế giới luôn bị chi phối bởi già, bệnh, chết và mọi thứ phải kết thúc bởi quy luật sanh diệt. Ngài nhận thấy cả thế giới đang bị sóng tử thần cuốn phăng đi từng giây phút mà cảm thương cho loài người cứ rơi vào tranh chấp mưu hại lẫn nhau chỉ vì thỏa mãn tham vọng… Đức Phật dạy: “Có gì đáng tự hào và hân hoan khi cuộc đời mãi bị thiêu đốt bởi tham lam và sân hận, bị che phủ bởi si mê; sao người ta không tìm ngọn đèn thoát khỏi sự vô minh đang thiêu đốt ấy?”8.
Từ buổi sơ khai, Đức Phật đã vạch ra con đường hòa bình cho loài người rất cụ thể ngay trong từng tế bào của xã hội, đó là, cùng với việc giữ gìn ngũ giới, thực hành một đời sống vị tha nhân ái, từ bi hỷ xả, thì hàng Phật tử tại gia nói riêng và con người nói chung vẫn cần phải có một đời sống có trách nhiệm đạo đức đối với bản thân, gia đình, xã hội. Về tương quan giữa người với người, với gia đình và xã hội, trong Kinh Giáo Thọ Thi Ca La Việt (Trường Bộ Kinh), Đức Phật chú trọng đến trách nhiệm và bổn phận mà các đệ tử tại gia của Ngài cần phải thực hiện một cách chu toàn.
Đức Phật từng dạy đệ tử cách hành xử “bất hại” đầy trách nhiệm đối với người và thiên nhiên. Trong Kinh Từ Bi, Đức Phật dạy: “Ban rải từ tâm cùng khắp cõi. Tình thương chân thật vốn vô biên. Trên, dưới, trong ngoài và chặn giữa. Không hề vướng mắc vốn thù ai. Đi, đứng, ngồi, nằm tâm an lạc. Tinh thần sáng suốt trí tuệ thông. Chánh niệm hiện tiền khơi nguồn sống. Là Chân Thiện Mỹ nhất trên đời. Chớ để mê tâm vào u tối. Thì tròn giới đức, trí huệ ngời. Lìa xa tham dục, tâm an lạc. Tương lai ắt sẽ thoát luân hồi”. Điều này, nói lên ý nghĩa lòng từ bi của người con Phật cần phải mở rộng cùng khắp mười phương đến vô cùng tận. Được như vậy, thì lòng từ bi của chúng ta mới có thể thiết lập lại một môi trường trong sạch đúng nghĩa thuần khiết của nó và tạo nên mối quan hệ tử tế, thân thiện giữa người với người, giữa nhân loại với thiên nhiên.
Kinh Từ Bi mở ra một con đường tu học cao đẹp để Phật tử hướng đến một đời sống lý tưởng. Ở đó, bao gồm mở rộng trí tuệ và nhận thức để thấy được mạng lưới tương quan tương duyên giữa vạn vật và mọi hiện tượng; mở rộng tình thương trong thế giới con người và đến muôn loài; thấy rõ tính bình đẳng của sự sống; đạt được hòa bình của nội tâm; đóng góp cho hòa bình và văn minh nhân loại, đóng góp phần bé nhỏ của mình vào việc kiến tạo sự nghiệp văn minh và hòa bình cho nhân loại mà cộng đồng Phật giáo tại các quốc gia trên thế giới đang góp sức xây dựng.
Thông điệp của Đức Phật về cộng sinh, cộng tồn, hòa bình, từ bi, vô thường và vô ngã, không chỉ giúp chúng ta nhìn rõ bản chất của cuộc sống mà còn chỉ ra con đường giải thoát khổ đau. Đây là thông điệp khế hợp với các giá trị nhân văn mà thế giới cùng chia sẻ, đồng thời phản ánh những mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc. Hơn bao giờ hết, Phật giáo với tư cách là tôn giáo vì hòa bình, cần dấn thân nhiều hơn để hỗ trợ cộng đồng quốc tế. Giáo pháp của Đức Phật sẽ tiếp tục là ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường cho chúng ta vượt qua mọi thử thách để xây dựng một thế giới hòa bình, công bằng và hạnh phúc.
Trong tinh thần đó, chủ đề của Đại lễ Vesak LHQ 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuệ giác Phật giáo đối với việc xây dựng một thế giới hòa bình, kiến tạo những nền tảng cốt lõi để xây dựng một xã hội bền vững. Chỉ khi thế giới thật sự có hòa bình, thì con người mới có thể phát triển trong an toàn và đạt được sự thịnh vượng.
Nhân đây, chúng tôi xin chia sẻ thông điệp, chỉ có trải qua cuộc chiến tranh mới thấu hiểu được giá trị của hòa bình, chỉ có hòa bình mới đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân loại. Và điều đó, mỗi người dân sống trên đất nước Việt Nam nói riêng, trên toàn thế giới nói chung đều thấm thía về những đau thương mất mát không gì có thể bù đắp nổi bởi chiến tranh.
Từ các giáo lý cơ bản như Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, và từ những đức tính ưu việt của Phật giáo là Trí Tuệ, Vô Ngã, Từ Bi, Vị Tha, đã cho thấy, Phật giáo không chỉ dạy con người cách sống thiện lành, đoàn kết hòa hợp, mà còn cung cấp những giải pháp thực tiễn để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và xung đột.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng ảnh hưởng lẫn nhau, những xung đột tại một khu vực có thể nhanh chóng lan rộng, ảnh hưởng đến các khu vực khác, trong khi đó Phật giáo với triết lý hòa bình và lòng từ bi, với năng lượng tích cực đó đều có thể đóng góp rất lớn vào việc giải quyết những căng thẳng bất ổn ở bất kỳ đất nước nào, khu vực nào trên thế giới. Qua đó cho thấy, các tổ chức của Phật giáo trên toàn thế giới không đơn thuần là một tôn giáo với mục đích hướng dẫn tín đồ thực hành theo lời Phật dạy, mà ở tầm vĩ mô, Phật giáo còn là một triết lý sống hướng tới việc giải quyết các xung đột thông qua hòa giải và sự hiểu biết lẫn nhau. Điều này, hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc và UNESCO đang theo đuổi, đó là thúc đấy hòa bình, công bằng và phát triển bền vững.
Chúng tôi cho rằng Phật pháp là chất liệu để kiến tạo, con người vừa là tác nhân xây dựng, cũng vừa là đối tượng để được xây dựng. Và trên bình diện rộng, thếgiới chúng ta đang sống chính làđối tượng để Phật giáo hướng đến xây dựng một không gian trong lành, an toàn và thịnh vượng, trong đó, trọng tâm chính yếu vẫn là xây dựng nền đạo đức nhân bản của con người.
Trọng tâm của mọi vấn đề đều xuất phát từ con người, nên việc xây dựng con người từ nhận thức đến hành vi bằng sự học tập và ứng dụng lời Phật dạy trong kinh tạng, chính là cốt lõi của việc kiến tạo một thế giới hòa bình. Chúng ta đang có được một thuận lợi vô cùng to lớn đó là nguồn tuệ giác mà Đức Phật đã khơi thông cách đây trên 25 thế kỷ vẫn còn tươi nguyên giá trị chuyển hóa mọi khổ đau trong đời sống con người.
Trong sứ mệnh phục vụ nhân sinh và thiết lập hòa bình của người con Phật, chúng tôi tin tưởng, những Duyên lành có định hướng và hướng đến từng mục tiêu cụ thể sẽ góp phần xóa dần khoảng cách bởi dị biệt ý thức hệ, nối kết các nền văn hóa mà không xâm phạm bản sắc, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau nhằm chuyển hóa xung đột, thúc đấy hòa bình và lan tỏa giá trị hòa bình nhân ái, đề cao nhân phẩm con người theo tinh thần tích cực chuyển hóa của Phật giáo đến khắp châu lục, đến từng ngõ ngách tâm hồn mỗi người con Phật. Rốt ráo là hiện thực hóa nguồn tuệ giác của Phật giáo đi vào cuộc sống Cuối cùng, chúng tôi mong muốn tất cả chúng ta hãy sống cho các giá trị nhân văn cao đẹp, tất cả vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững như chủ đề Đại lễ Vesak LHQ 2025 đề ra.
1. Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikàya – quyển 5), Kinh Chuyển Pháp Luân
2. Trường Bộ – Kinh Ðại Duyên (Mahànidàna sutta) – Chương Đại Phẩm (Mahà Vagga Pali).
3. Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya), Kinh Pháp Cú – Kệ 183 (Dhammapada/ Dharmapada)
4. Trường Bộ Kinh, Kinh Ðại Duyên (Mahànidàna sutta), Chương Đại Phẩm (Mahà Vagga Pali)
5. Tiểu Bộ Kinh, Kinh Pháp Cú: Phẩm Song Yếu
6. Tiểu Bộ Kinh, Kinh Pháp Cú: Phẩm Song Yếu
7. Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), VII. Ðại Phẩm, 7.74. Araka
8. Kinh Pháp Cú