Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

BÀI GIẢNG VỀ CỘI NGUỒN CỦA MỌI HIỆN TƯỢNG

Mūla Sutta – AN 10.58

 

HOANG PHONG

 

 

Chữ Mūla, tên bài giảng, nghĩa từ chương là rễ câycội rễ, nghĩa mở rộng là căn nguyênnguồn gốc, cội nguồn. Bài giảng này còn mang một tiêu đều khác là Mūlaka Sutta. Chữ Mūlaka có nghĩa là sự phát sinh hay bắt nguồn từ một cái gì khác (originating in / being conditioned by). Bài giảng nêu lên thật ngắn gọn cội rễ làm phát sinh ra mọi hiện tượng trong thế giới. Các hiện tượng cùng sự chuyển động của chúng không do một đấng thiêng liêng nào tạo tác và lèo lái, mà bắt rễ từ bên trong tâm thức con người. Nội dung của bài giảng gồm những lời khuyên bảo của Đức Phật dành cho các đệ tử của Ngài, nhằm giúp họ trả lời cho những người tu hành thuộc các giáo phái khác (Paribbājaka) khi được hỏi về cội nguồn của mọi hiện tượng trong thế giới là gì. Bài giảng này như sau:

“Này các Tỳ-kheo, nếu có những người tu hành khất thực thuộc các giáo phái khác nêu lên với các Tỳ-kheo các thắc mắc như sau:

1- Tất cả mọi hiện tượng bắt rễ (mọc rễ, bắt nguồn) từ đâu?

2- Tất cả mọi hiện tượng diễn tiến như thế nào?

3- Tất cả mọi hiện tượng có cùng một cội nguồn chung như thế nào?

4- Tất cả mọi hiện tượng cùng gặp nhau (hội tụ với nhau) ở điểm nào?

5- Hiện tượng nào tiên khởi nhất (presiding / dẫn đầu, phát sinh trước nhất) đối với tất cả các hiện tượng khác?

6- Hiện tượng nào bao trùm (coverning / chỉ huy, lấn lướt, khống chế) tất cả các hiện tượng khác?

7- Hiện tượng nào vượt lên trên tất cả các hiện tượng khác?

8- Cốt lõi (heartwood / thực chất, bản thể) của tất cả mọi hiện tượng là gì?

9- Thể dạng tột đỉnh của tất cả mọi hiện tượng là gì?

10- Thể dạng hoàn hảo nhất của tất cả mọi hiện tượng là gì?”

“Đối với chúng tôi thì Dhamma (Đạo Pháp / Giáo huấn) bắt nguồn (bắt rễ) từ Thế Tôn, là Vị hướng dẫn và phân xử. [Vì vậy] nếu Thế Tôn đích thân giải thích những lời phát biểu ấy (các thắc mắc ấy) thì tốt hơn cả. Sau khi được nghe những lời giải thích ấy thì các tỳ-kheo sẽ ghi nhớ [lâu dài]”.

“Này các Tỳ-kheo, nếu là như vậy thì hãy chú tâm lắng nghe. Ta sẽ giảng”.

Các Tỳ-kheo đáp lại: “Vâng, thưa Thế Tôn”.

Đấng Thế Tôn bắt đầu giảng dạy: “Này các Tỳ-kheo, nếu có những người tu hành khất thực thuộc các giáo phái khác nêu lên với các Tỳ-kheo các câu hỏi như sau:

1- Tất cả mọi hiện tượng bắt rễ từ đâu?

2- Tất cả mọi hiện tượng diễn tiến như thế nào?

3- Tất cả mọi hiện tượng có cùng một cội nguồn chung như thế nào?

4- Tất cả mọi hiện tượng cùng gặp nhau ở điểm nào?

5- Hiện tượng nào tiên khởi nhất đối với tất cả các hiện tượng khác?

6- Hiện tượng nào bao trùm tất cả các hiện tượng khác?

7- Hiện tượng nào vượt lên trên tất cả các hiện tượng khác?

8- Cốt lõi của tất cả mọi hiện tượng là gì?

9- Thể dạng tột đỉnh của tất cả mọi hiện tượng là gì?

10- Thể dạng hoàn hảo nhất của tất cả mọi hiện tượng là gì?

“Trong trường hợp những người tu hành khất thực thuộc các giáo phái khác nêu lên với các Tỳ-kheo các thắc mắc trên đây, thì các Tỳ-kheo nên trả lời họ như này:

1- Tất cả mọi hiện tượng bắt rễ từ sự thèm khát (tham lam, bám víu).

2- Tất cả mọi hiện tượng diễn tiến xuyên qua (nhờ vào) sự chú tâm (tạo được sự chú tâm, sự chú ý thì mới nhận thấy được sự hiện hữu và sự diễn tiến của các hiện tượng xảy ra chung quanh mình).

3- Tất cả mọi hiện tượng phát sinh (bắt nguồn) từ sự tiếp xúc (contact / sự tiếp xúc của lục giác với các đối tượng của chúng: Mắt tiếp xúc với các hình tướng, tai tiếp xúc với âm thanh,…, tri thức tiếp xúc với các ý nghĩ, xúc cảm, tác ý… trong tâm thần).

4- Tất cả mọi hiện tượng đều có một điểm hội tụ chung (giống nhau, trùng hợp với nhau) đó là sự cảm nhận (feeling / sự nhận biết hay cảm thấy trong tâm thần).

5- Hiện tượng tiên khởi nhất (phát sinh trước nhất) đó là sự chú tâm (concentration / sự tập trung, sự chú ý / tạo được sự chú tâm hay chú ý thì mới nhận biết được các hiện tượng. Xin lưu ý là các ý nghĩ, các xúc cảm trong tâm thần cũng là các hiện tượng, tương tự như các hiện tượng cụ thể bên ngoài, và tâm thức hay tri thức / consciousness cũng là một cơ quan giác cảm tương tự như lục giác – thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác – trên thân thể).

6- Hiện tượng quản lý (chế ngự, chỉ huy) các hiện tượng khác là sự tập trung tâm thần (còn gọi là chánh niệm / mindfulness, một sự tập trung tâm thần thăng bằng, cô đọng và hợp nhất của tâm thức, mang lại một sự cảm nhận chính xác và sâu sắc về các hiện tượng).

7- Hiện tượng bao trùm (trội hơn hết, vượt lên trên) tất cả các hiện tượng là khả năng phân biệt (discernement / khả năng nhận định, suy xét, nói chung là sự quán thấy minh bạch của tâm thức nhờ vào sự tập trung tâm thần / chánh niệm).

8- Tất cả mọi hiện tượng đều có một cốt lõi chung (heartwood / một bản thể chung) là sự vượt thoát (release / sự buông bỏ, buông xả, sự giải thoát).

9- Điểm chủ yếu nhất của tất cả mọi hiện tượng là thể dạng vô sinh (deathless / bất tử, không có cái chết xảy ra với mình, và cũng có nghĩa là không có một sự trở thành hay sự hình thành nào sau đó cả).

10- Thể dạng hoàn hảo nhất của tất cả mọi hiện tượng là sự Tắt nghỉ (Extinction / Sự dừng lại hoàn toàn, Sự giải thoát tối thượng).

“Nếu có những người tu hành khất thực thuộc các giáo phái khác nêu lên với các tỳ-kheo các thắc mắc đại loại như thế, thì các tỳ-kheo hãy cứ trả lời họ theo cách trên đây.

Vài lời ghi chú

Bài giảng tuy ngắn gọn thế nhưng bao hàm một sự hiểu biết rất bao quát, thuộc cả ba lãnh vực: Hiện tượng học (Phenomenology), Tâm lý học (Psychology) và Triết học siêu hình (Metaphysics). Trên phương diện Hiện tượng học, thì bài giảng nêu lên sự phát sinh và sự hình thành của các hiện tượng (dhamma / pháp) trong tâm thần của một cá thể, trực tiếp liên hệ và tương quan với các hiện tượng trong thế giới, xuyên qua sự vận hành của lục giác gồm ngũ giác và tâm thần. Trên phương diện Tâm lý học, thì bài giảng nêu lên sự diễn tiến cùng các đặc tính của các hiện tượng đó. Trên phương diện Triết học siêu hình, tức là thuộc vào lãnh vực tâm linh, thì bài giảng nêu lên sự giải thoát khỏi sự vận hành mang tính cách trói buộc và khổ đau của các hiện tượng phát sinh từ bên trong tâm thức con người.

Chúng ta đều hiểu rằng những gì mà chúng ta tạo dựng trong tâm thức mình không những tác động đến nội tâm mình, con người của mình, sự hiện hữu của mình, mà còn ảnh hưởng đến cả môi sinh bên ngoài, mở rộng hơn nữa là cả sự sinh hoạt trong xã hội, và xa hơn nữa là cả thế giới vật lý trong không gian. Làm cho mọi sự tạo dựng trong tâm thức mình phải dừng lại, hoàn toàn “tắt nghỉ” là cách mang lại cho mình một sự an bình và thanh thản, tạo ra cho mình một tâm thức thăng bằng và bình lặng, giúp mình đứng ra bên ngoài thế giới và sự vận hành của thế giới, và điều đó cũng có thể hiểu như là một sự giải thoát.

Đức Phật không tạo ra các hiện tượng trong tâm thức của mỗi cá thể, mà mỗi cá thể tự tạo ra các hiện tượng trong tâm thần của mình. Các hiện tượng đó liên hệ với quá khứ của mỗi cá thể và đồng thời trong hiện tại cũng tương tác với các hiện tượng trong thế giới bên ngoài. Sự liên kết và tương tác đó là nguyên nhân tạo ra sự hiện hữu trói buộc của cá thể ấy trong thế giới. Do đó, mỗi cá thể phải tự mình làm cho các hiện tượng bên trong tâm thức mình phải chấm dứt, đấy là cách tách mình ra khỏi thế giới, đứng ra bên ngoài thế giới. Nếu chỉ biết nhìn vào thế giới, thắc mắc về nguồn gốc và nguyên nhân của các hiện tượng trong thế giới cùng sự vận hành của chúng trong thế giới, để hình dung ra đủ mọi thứ chuyện, thì đấy là cách tự mình đánh lạc hướng chính mình, thúc đẩy mình lăn mình vào thế giới, bị cuốn trôi trong thế giới, và để ôm lấy khổ đau mà thôi.

Bài giảng không những gợi ý giúp các Tỳ-kheo trong Tăng đoàn trả lời các thắc có thể được nêu lên bởi những người tu hành thuộc các giáo phái khác, mà còn phản ảnh thật kín đáo toàn bộ nền tảng của con đường Phật giáo.

Sau hết, xin trích dẫn bản dịch bài giảng này trong Đại Tạng Kinh để độc giả tiện tham khảo thêm:

 Aṅguttara Nikāya

VI. Phẩm Tâm Của Mình

10.58. Lấy Căn Bản Nơi Thế Tôn

– Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi như sau: “Này chư Hiền, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ quy tụ? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ thể nhập? Tất cả pháp lấy gì làm cứu cánh?”. Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, pháp lấy Thế Tôn làm căn bổn, lấy Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm nương tựa… Thật lành thay, bạch Thế Tôn, nếu nghĩa của lời nói này được Thế Tôn nói lên! Sau khi nghe Thế Tôn nói, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.

– Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

– Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi như sau: “Này chư Hiền, tất cả pháp lấy gì làm căn bản? Tất cả pháp lấy gì làm sanh khởi? Tất cả pháp lấy gì làm tập khởi? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ quy tụ? Tất cả pháp lấy gì làm thượng thủ? Tất cả pháp lấy gì làm tăng thượng? Tất cả pháp lấy gì làm tối thượng? Tất cả pháp lấy gì làm lõi cây? Tất cả pháp lấy gì làm chỗ thể nhập? Tất cả pháp lấy gì làm cứu cánh?”

Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể trả lời như sau: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản. Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi. Tất cả pháp lấy xúc làm tập khởi. Tất cả pháp lấy thọ làm chỗ quy tụ. Tất cả pháp lấy định làm thượng thủ. Tất cả pháp lấy niệm làm tăng thượng. Tất cả pháp lấy tuệ làm tối thượng. Tất cả pháp lấy giải thoát làm lõi cây. Tất cả pháp lấy bất tử làm chỗ thể nhập. Tất cả pháp lấy Niết-bản làm cứu cánh”.

Này các Tỷ-kheo, được hỏi vậy, các Thầy có thể trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

 

Dưới đây, chúng ta lại tiếp tục trích dẫn một bài giảng khác mang tiêu đề Bài giảng cho vị tu hành khổ hạnh Uttiya / Uttiya Sutta – AN 10.65:

Bài giảng cho vị tu hành khổ hạnh Uttiya

Uttiya Sutta – AN 10.95

(Dựa theo các bản dịch tiếng Anh của Thanissaro Bhikhu, Bhikkhu Sujato, Piya Tan và bản dịch tiếng Pháp của Sekha)

Vị Uttiya xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, gốc từ thủ đô Sāvatthī (Xá Vệ) của xứ Kosala (Kiêu-tát-la), thế nhưng khi trưởng thành thì lại có ý nguyện đạt được thể dạng ‘bất tử’, và cũng là mục đích của tín ngưỡng Bà-la-môn. Ý nguyện đó đã khiến người thanh niên Uttiya rời bỏ gia đình, chọn cuộc sống của một người tu hành ẩn dật, khất thực và không nhà. Một hôm vị này được nghe Đức Phật thuyết giảng và sau đó thì xin gia nhập Tăng đoàn của Ngài.

Trong châu thổ sông Hằng tín ngưỡng phát triển rất sớm, trước thời đại của Đức Phật rất lâu. Các trào lưu đầu tiên xoay quanh bốn bộ kinh truyền khẩu trường thiên mang tính cách thiêng liêng, gọi là các kinh Vệ-đà (Veda). Các kinh điển này xuất hiện từ thế kỷ XV trước Tây lịch, chủ đích là để tôn vinh ba mươi ba vị Thiên vương (Deities / Thánh nhân, Thần linh), gồm các vị: Indra (Vua của tất cả các vị Trời, các Thần linh và các Tướng sĩ), Agni (Thần lửa), Rudra (Thần bão tố), Vayu (Thần gió), Varuna (Thần bảo vệ thế giới), Soma (vị Thần hiện thân của luồng sinh khí nơi mỗi cá thể, luân lưu xuyên qua các kiếp sống khác nhau), v.v. Nói chung, các vị Trời và các vị Thần linh nêu lên trong các kinh Vệ-đà là các hiện thân của các sức mạnh trong thiên nhiên. Việc tu tập thì chủ yếu xoay quanh việc tụng niệm và học hỏi các kinh Vệ-đà, đồng thời thực thi các nghi thức cúng tế và hiến sinh. Các giáo sĩ thì được gọi là các vị Brahmana / Bà-la-môn.

Trên dòng thời gian tín ngưỡng Vệ-đà dần dần biến thể đưa đến các ý niệm mới hơn hướng vào khía cạnh thiêng liêng của tín ngưỡng nói chung và xem tính cách thiêng liêng là một cái gì đó “Duy nhất”, “Độc nhất”, là “Một”, gọi là Brahman Phạm thiên. Sự “Độc nhất” đó có thể hiểu một cách cụ thể là vị “Sáng tạo ra thế giới” (Creator of the world), là Linh hồn của Thế giới, sự Tinh anh của Vũ trụ, biểu trưng cho một Hiện thực Tối thượng. Vô số các vị Thần linh cùng các vị Trời trên thượng giới được hình dung ra để biểu trưng các thể dạng phát tán của sự Thiêng liêng độc nhất nói đến trên đây. Các ý niệm mới này dần dần biến các tín ngưỡng Vệ-đà trở thành tín ngưỡng Bà-la-môn (Brahmanism) cùng với sự xuất hiện của các kinh Upanisad, cải tiến hơn so với các kinh Vệ-đà trước đó. Một số các ý niệm mới được hình dung trong các kinh Upanisad, chẳng hạn như ý niệm về các chu kỳ xoay vần giữa sự sống và cái chết, ý niệm về linh hồn bất diệt tồn lưu xuyên qua các kiếp sống, v.v. Việc tu tập thì xoay quanh sự mong cầu thoát khỏi khỏi các chu kỳ sinh tử hầu hòa nhập linh hồn cá nhân của mình với Linh hồn rộng lớn của toàn thể vũ trụ. Các nghi thức tu tập cũng mang nhiều nét khác hơn so với các tín ngưỡng Vệ-đà, chẳng hạn như việc luyện tập thiền định, sống khổ hạnh, du thực, tách ra khỏi môi trường gia đình và xã hội.

Trên đây là khung cảnh tín ngưỡng trong châu thổ sông Hằng vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch. Đức Phật xuất hiện trong khung cảnh tín ngưỡng đó, mở ra một nền Tư tưởng hoàn toàn mới lạ, một Dhamma độc đáo, đánh dấu sự xuất hiện của một nền Tư tưởng siêu việt, không những trong lãnh vực tâm linh mà cả đối với sự hiểu biết của con người nói chung. Tuy mang một vài đường nét và vay mượn một số thuật ngữ trong các tín ngưỡng Vệ-đà và Bà-la-môn, thế nhưng Dhamma của Đức Phật là một cái gì hoàn toàn mới lạ và khác hẳn, có thể nói là trái ngược lại với các ý niệm trong các kinh điển Vệ-đà và Upanisad.

Qua một góc nhìn nào đó thì Dhamma của Đức Phật mở ra một khung trời mới lạ trong lãnh vực tư tưởng không những trong khung cảnh của châu thổ sông Hằng mà sau đó còn được quảng bá ra bên ngoài biên giới nước Ấn và đã chinh phục được một số tầng lớp nhân loại trong các xã hội tân tiến ngày nay.

Sở dĩ dài dòng như trên đây là nhằm mục đích đặt Bài giảng cho vị tu hành khổ hạnh Uttiya / Uttiya Sutta – AN 10.95 trong khung cảnh tín ngưỡng mang nặng ảnh hưởng của đạo Bà-la-môn trong châu thổ sông Hằng vào thời bấy giờ, khi tín ngưỡng này chủ xướng một vũ trụ trường tồn, bất diệt và thiêng liêng. Đặt bài giảng này vào khung cảnh tín ngưỡng đó là cách giúp chúng ta hiểu được chính xác và sâu sắc hơn về nội dung và chủ đích của bài giảng này:

Một hôm, có một vị tu hành khổ hạnh sống lang thang (wanderer / khất thực và sống không nhà) tên là Uttiya tìm gặp Đấng Thế Tôn, khi gặp Ngài thì vái chào và trao đổi với Ngài vài lời chúc tụng. Sau khi trao đổi vài lời chúc tụng thân thiện và xã giao, thì vị này ngồi sang một bên, và sau khi an tọa thì cất lời hỏi Đấng Thế Tôn như sau:

“Thưa Thầy Gotama (Cồ-đàm), phải chăng: ‘Vũ trụ là trường tồn (eternal / vô tận, không bao giờ tan biến hay chấm dứt). Chỉ có điều đó là thật (là đúng, là hữu ích, đáng quan tâm, hậu ý nói lên tính cách thiêng liêng trong vũ trụ), ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa (wortheless / silly / vile / không đúng, không thật, vô tích sự, không đáng kể, không đáng quan tâm, vô giá trị. Cách cho rằng sự thiêng liêng trong tín ngưỡng, phản ánh qua sự trường tồn và bất diệt của vũ trụ là một thứ gì đó Duy nhất có giá trị, một thứ gì đó tương tự như Linh hồn của cả vũ trụ, và đấy cũng là quan điểm của đạo Bà-la-môn về tôn giáo và tín ngưỡng nói chung)?”.

“Này Uttiya, ta không hề tuyên bố: ‘Vũ trụ là trường tồn. Chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa’”.

“Vậy, thưa Thầy Gotama, nếu là như thế (đúng theo lời Thầy nói) thì: ‘Vũ trụ không trường tồn. Chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa?’”.

“Cũng vậy, này Uttiya, ta không hề tuyên bố: ‘Vũ trụ không trường tồn. Chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa’”.

(Qua một góc nhìn nào đó thì đấy là sự yên lặng của Đức Phật: Không tham gia vào bất cứ một sự tranh biện hay tranh cãi nào, dù là đối với một vấn đề nào hay một quan điểm nào cũng vậy. Giáo huấn của Đức Phật chỉ duy nhất nhắm vào những gì thiết thực và hữu ích, đó là cách tìm hiểu tâm thức của chính mình để biến cải nó, tinh khiết hóa nó, nhưng không tìm hiểu xem vũ trụ trường tồn hay hữu hạn, linh hồn của vũ trụ to rộng như thế nào)

“Thưa Thầy Gotama, vậy là thế nào: ‘Vũ trụ hữu hạn…’, [hay là] ‘… Vũ trụ trường tồn…?’ ; ‘… Linh hồn và thân xác là một thứ…’, [hay là ] ‘… Linh hồn là một thứ và thân xác là một thứ khác…?’ ; ‘… Sau khi chết một vị Tathāgata (Như Lai) còn hiện hữu…’, [hay là] ‘… Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu…?’ ; ‘…Sau khi chết một vị Tathāgata vừa hiện hữu nhưng cũng không còn hiện hữu?’, [hay là] ‘… Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu nhưng cũng không phải là không còn hiện hữu?’. Phải chăng chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa?”.

“Này Uttiya, ta không hề tuyên bố: ‘Vũ trụ hữu hạn…’, [hay là] ‘… Vũ trụ trường tồn…’ ; ‘… Linh hồn và thân xác là một thứ…’, [hay là ] ‘… Linh hồn là một thứ và thân xác là một thứ khác…’ ; ‘… Sau khi chết một vị Tathāgata còn hiện hữu…’, [hay là] ‘… Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu…’ ; ‘…Sau khi chết một vị Tathāgata vừa hiện hữu nhưng cũng không còn hiện hữu’, [hay là]…‘Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu nhưng cũng không phải là không còn hiện hữu’. Phải chăng chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa”.

“Vậy là thế nào, thưa Thầy Gotama, khi hỏi Thầy có đúng là ‘Vũ trụ trường tồn, chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa’, thì Thầy nói với tôi: ‘Này Uttiya, ta không hề nêu lên ‘Vũ trụ là trường tồn, chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa’. Khi hỏi Thầy có đúng là ‘Vũ trụ không trường tồn…’, ‘…Vũ trụ có giới hạn…’, ‘…Vũ trụ vô biên…’, ‘…Linh hồn và thân xác là một thứ…’, ‘…’Linh hồn là một thứ và thân xác là một thứ khác…’, ‘…’Sau khi chết một vị Tathāgata còn hiện hữu…’, ‘…Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu…’, ‘…’Sau khi chết một vị Tathāgata còn hiện hữu nhưng cũng không còn hiện hữu…’, ‘… ‘Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu nhưng cũng không phải là không còn hiện hữu’. Duy nhất chỉ có điều đó là thật, ngoài ra bất cứ một thứ gì khác đều vô nghĩa’, thì Thầy trả lời: ‘Này Uttiya, ta không hề nêu lên ‘Sau khi chết một vị Tathāgata không còn hiện hữu nhưng cũng không phải là không còn hiện hữu, và chỉ có điều đó là thật, ngoài ra tất cả các thứ gì khác đều vô nghĩa’. Nếu đúng là như thế thì Thầy chẳng xác định một điều gì cả hay sao?”.

“Này Uttiya, ta hiểu được các điều ấy một cách trực tiếp (dễ dàng, không cần phải suy nghĩ hay lý luận), [thế nhưng] ta chỉ giảng Dhamma / Đạo pháp cho các môn đệ của ta nhằm mục đích [duy nhất] là mang lại sự tinh khiết cho chúng sinh (sự tinh khiết ở đây có nghĩa là loại bỏ mọi sự u mê, thèm khát, bám víu, đam mê…), giúp chúng sinh vượt lên trên mọi thứ buồn phiền và ta thán, làm chấm dứt mọi nỗi đớn đau và âu lo, quán thấy được phương pháp [tu tập] đúng đắn mang lại cho họ sự giải thoát”.

“Vậy thì, thưa Thầy Gotama, dù Thầy hiểu được các điều ấy một cách trực tiếp đi nữa, thế nhưng Thầy chỉ giảng Dhamma cho các môn đệ của Thầy [duy nhất] nhằm mục đích mang lại sự tinh khiết cho chúng sinh, giúp chúng sinh vượt lên trên mọi thứ buồn phiền và ta thán, làm chấm dứt mọi nỗi đớn đau và âu lo, quán thấy được phương pháp [tu tập] đúng đắn, mang lại cho họ sự giải thoát, và nhờ đó toàn thể thế giới (toàn thể vũ trụ / cosmos) cũng sẽ được giải thoát, hoặc hoàn toàn, hoặc một nửa, hay [ít nhất cũng] là một phần ba?”.

Sau khi những lời trên đây được [vị Uttiya] nêu lên thì Đấng Thế Tôn giữ yên lặng.

Ý nghĩ sau đây vụt hiện lên với Ngài (Āyasmā) Ānanda (A-nan-đà / cách gọi vị A-nan-đa là Ngài (Āyasmā / Venerable) là một cách gọi mang tính cách tôn kính. Ānanda là vị đệ tử thân cận luôn bên cạnh Đức Phật, và vị này đang ngồi nghe và theo dõi cuộc đàm đạo giữa Đức Phật và người tu hành khổ hạnh Uttiya. Sau khi nghe vị Uttiya phát biểu như trên đây thì Ngài Ānanda vụt nghĩ như sau): ‘Không nên để cho vị tu hành khổ hạnh Uttiya tạo ra cho mình ý nghĩ tai hại: ‘Mỗi khi tôi nêu lên một thắc mắc với vị Thầy Gotama thì vị Thầy Goatama đều tỏ ra bối rối, không trả lời được. Hoặc cũng có thể là vị ấy không đủ sức để trả lời’ (Ngài Ānanda hình dung ra trong tâm trí mình ý nghĩ trong tâm trí của vị Uttiya). Điều đó sẽ gây ra thêm tai hại và khổ đau cho vị ấy trong lâu dài mà thôi’. [Sau khi ý nghĩ ấy hiện lên trong tâm trí mình] thì Ngài Ānanda quay sang vị Uttiya và nói với vị này như sau: ‘Này bạn Uttiya, tôi xin nêu lên với bạn một câu chuyện mang tính cách ẩn dụ. Đối với một người thông minh thì cũng chỉ cần nêu lên một câu chuyện ẩn dụ thì cũng đủ giúp người ấy sau khi nghe sẽ hiểu được ý nghĩa hàm chứa trong đó’.

“Này bạn Uttiya, chẳng hạn như nơi vùng biên thùy của một đế quốc, có một thị trấn kiên cố, bao quanh bởi các tường thành và các chòi canh thật vững chắc, và chỉ có một cổng ra vào duy nhất. Người gác cổng rất thông minh, nhiều kinh nghiệm và thận trọng, cấm người lạ đến gần cửa cổng, chỉ có những người quen thuộc thì mới được phép bước ngang cửa cổng. Người giữ cổng từng đi quanh tường thành để quan sát, và người này cảm thấy yên tâm bởi vì tường thành không có một lỗ hổng hay một nơi sụp đổ nào đủ để người lạ có thể lẻn vào, kể cả một con mèo cũng không chui lọt. Tuy không biết được chính xác số người đi vào và đi ra khỏi cổng là bao nhiêu, thế nhưng người gác cổng tin chắc chắn rằng: ‘Bất cứ một sinh linh nào có thân hình mang kích thước đủ để có thể trông thấy được bằng mắt nếu muốn thâm nhập vào bên trong hay đi ra ngoài khung thành thì đều phải bước ngang qua cửa cổng duy nhất mà mình đang canh gác’.

“Cũng vậy, này bạn Uttiya, Tathāgata (Như Lai / tức là Đức Phật) không quan tâm tìm hiểu xem nhờ vào Dhamma của mình (tức là Giáo huấn của Đức Phật) thì vũ trụ (thế giới) này có được giải thoát hoàn toàn hay không, hay chỉ được một nửa hoặc một phần ba. Thế nhưng Tathāgata biết được thật minh bạch: ‘Những ai đã đạt được sự giải thoát, đang đạt được sự giải thoát, hoặc sẽ đạt được sự giải thoát giúp mình thoát ra khỏi vũ trụ này (tức là những người đi ra hay bước vào bên trong khung thành), sau khi đã loại bỏ được, đang loại bỏ được, hoặc sẽ loại bỏ được năm thứ chướng ngại (1- Thèm khát dục tính, 2- Bất toại nguyện, 3- Lười biếng và đờ đẫn, 4- Dao động tâm thần và hối hận, 5- Ngờ vực thiếu vững tin. Kinh sách Hán ngữ gọi năm thứ chướng ngại này là ngũ triền cái:1- Tham dục, 2- Sân hận, 3- Hôn trầm thuỵ miên, 4- Trạo cứ hối quá, 5- Nghi ngờ), là các thứ làm cho tâm thức bị ô nhiễm, khiến khả năng nhận thức bị suy giảm, không tạo được một tâm thức vững vàng dựa vào nền tảng của bốn thể dạng satipaṭṭhāna (mindfulness / chánh niệm / chữ sati có nghĩa là sự chú tâm, chữ paṭṭhāna có nghĩa là thể dạng tập trung, cô đọng và hợp nhất của tâm thần. Bốn thể dạng satipaṭṭhāna là: 1- Chú tâm vào thân thể (kāya), 2- Chú tâm vào các cảm giác (vedanā), 3- Chú tâm vào tâm thức (citta), 4- Chú tâm vào các hiện tượng tâm thần (dhamma), và tiếp theo sau đó là phát huy được bảy yếu tố (bojjhaṅgā / bảy yếu tố giác ngộ – kinh sách Hán ngữ gọi là thất giác chi – gồm : 1- Sự chú tâm (sati), 2- Thiền định (vicaya / sự suy nghiệm về Dhamma), 3- Nghị lực (viriya), 4- Niềm hân hoan (pīti), 5- Sự bình lặng (passaddhi), 6- Sự tập trung (samādhi), 7- Sự thanh thản (upekkhā) bằng cách căn cứ vào bản chất đích thật của chúng. Thế nhưng, thay vì nêu lên với Đấng Thế Tôn các thắc mắc về các thứ ấy, thì bạn lại nêu lên các thắc mắc của bạn theo một đường hướng khác (Vũ trụ có giới hạn hay trường tồn là thắc mắc quan trọng hơn cả, ngoài ra tất cả các thứ khác chỉ là vô nghĩa?). Chính vì vậy nên Đấng Thế Tôn không trả lời bạn đấy.

 

Vài lời ghi chú

Bài giảng thật khúc triết và tế nhị. Vị tu hành khổ hạnh Uttiya nêu lên thắc mắc trong tâm trí mình là “Vũ trụ trường tồn hay hữu hạn, ngoài ra tất cả các thứ khác toàn là vô nghĩa”. Thắc mắc đó, chính là những gì thật ray rứt trong tâm trí của những người tu hành Bà-la-môn. Theo tín ngưỡng này thì vũ trụ trường tồn, và tính cách Thiêng liêng là một cái gì đó Duy nhất, là Linh hồn của cả vũ trụ. Chủ đích trong việc tu tập của tín ngưỡng Bà-la-môn là hòa nhập linh hồn cá nhân của mình vào Linh hồn rộng lớn của toàn thể vũ trụ. Thế nhưng, Đức Phật thì lại cho biết là mình không hề nói lên như thế. Vị Uttiya lại nêu lên một thắc mắc ngược lại là vũ trụ không trường tồn, Đức Phật cũng lại cho biết là mình không hề nói lên như thế.

Sau cùng thì Đức Phật nói với Uttiya là mình hiểu biết tất cả nhưng chỉ giảng dạy cho các đệ tử của mình về những gì thiết thực, nhằm mục đích tinh khiết hóa tâm thức của họ và của tất cả chúng sinh. Uttiya lặp lại câu phát biểu ấy của Đức Phật và nói thêm là nhờ đó thì phải chăng vũ trụ cũng sẽ được giải thoát hoàn toàn, hoặc một nửa hay chỉ được một phần ba. Đức Phật giữ yên lặng trước câu phát biểu đó. Sự yên lặng trong trường hợp này không có nghĩa là một sự phủ nhận mà là một sự đồng thuận: Đức Phật chỉ thuyết giảng những gì thiết thực. Thế nhưng, đồng thời thì sự yên lặng đó còn nói lên một ý nghĩ sâu sắc hơn sự đồng thuận đó rất nhiều: “Nhờ đó vũ trụ sẽ được giải thoát hoàn toàn, hoặc chỉ là một nửa hay một phần ba”, ý nghĩa trong cách phát biểu này thật kín đáo, tế nhị và sâu sắc: Vũ trụ là một cái gì đó còn vướng mắc, hữu hạn, có thể mang lại sự giải thoát cho nó, hoặc hoàn toàn, hoặc một nửa hay chỉ một phần ba, nói một cách khác và hiểu theo một cách khác là vũ trụ không trường tồn, bởi vì nó có thể biến cải được và giải thoát được.

Sau hết, bài giảng còn cho biết thêm là Ngài Ānanda theo dõi cuộc đàm thoại đã đoán được ý nghĩ viển vông hiện lên trong tâm trí của vị Uttiya, và sau đó thì vì lòng từ bi Ngài Ānanda đã nêu lên một câu chuyện ẩn dụ gợi lên với vị Uttiya là Đức Phật hiểu biết tất cả, thế nhưng các điều ấy không có gì là thiết thực. Sau đó, Ngài Ānanda lại còn tiếp tục giảng thêm cho vị Uttiya về việc tu tập của Phật giáo là phải như thế nào.

Trên đây là nội dung trong bài thuyết giảng cho một người tu hành theo một tín ngưỡng khác hơn với Dhamma của Đức Phật. Ngoài ra cũng xin trích dẫn bài giảng này trong Đại Tạng Kinh tiếng Việt để độc giả tiện tham khảo thêm:

Aṅguttara Nikāya

X. Phẩm Nam Cư Sĩ

10.95. Uttiya

Bấy giờ, có du sĩ ngoại đạo Uttiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, du sĩ Uttiya nói với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải Tôn giả chủ trương thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng?

– Này Uttiya. Ta không có nói như sau: “Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”.

– Này Tôn giả Gotama, có phải thế giới là có biên tế… thế giới là không biên tế… sinh mạng và thân thể là một… sinh mạng và thân thể là khác… Như Lai có tồn tại sau chết… Như Lai không có tồn tại sau khi chết… Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết… Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng?

– Này Uttiya, Ta không có nói như sau: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng”.

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là vô thường, kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng? Ðược hỏi vậy, Thế Tôn trả lời: “Này Uttiya, Ta không có nói: ‘Thế giới là vô thường. Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng’”.

– Thưa Tôn giả Gotama, có phải thế giới là vô thường? … có phải thế giới là có biên tế? … có phải thế giới không có biên tế? … có phải sinh mạng và thân thể là một? … có phải sinh mạng và thân thể là khác? … có phải Như Lai có tồn tại sau khi chết? … có phải Như Lai không có tồn tại sau khi chết? … có phải Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau chết? … có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết? Kiến này là sự thật, kiến nào khác là hư vọng? Ðược hỏi vậy, Thế Tôn trả lời: “Này Uttiya, Ta không có nói: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Kiến này là sự thật. Kiến nào khác là hư vọng’”.

– Vậy cái gì được Tôn giả Gotama nói lên?

– Với thắng trí, này Uttiya, Ta thuyết pháp cho các đệ tử để họ được thanh tịnh, để sầu bi được vượt qua, để khổ ưu được chấm dứt, đế Thánh lý được chứng đạt, để Niết-bàn được chứng ngộ.

– “Nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp cho các đệ tử để họ được thanh tịnh… để Niết-bàn được chứng ngộ”, thời do vậy, cả thế giới này sẽ đi ra khỏi, hay chỉ có một nửa, hay chỉ có một phần ba? Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng.

Rồi Tôn giả Ānanda suy nghĩ như sau: “Chớ có để cho du sĩ Uttiya có ác tà kiến rằng: “Sa-môn Gotama khi được nghe ta hỏi câu hỏi tối ư quan trọng lại tránh né, không có trả lời, không dám trả lời, và như vậy là bất hạnh, là đau khổ lâu dài cho du sĩ Uttiya”. Rồi Tôn giả Ānanda nói với du sĩ Uttiya:

– Vậy này Hiền giả Uttiya, Ta sẽ dùng một ví dụ, chính nhờ ví dụ, ở đây một số người có trí có thể hiểu được ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Hiền giả Uttiya, ngôi thành trì biên địa của vua với những nền móng vững chắc, với các thành lũy tháp canh vững chắc, và chỉ có một cửa vào. Tại đây, người giữ cửa là người sáng suốt, thông minh, có trí, ngăn chận những người không quen biết, cho vào những người quen biết. Khi đi tuần trên con đường chạy vòng quanh thành trì ấy, người ấy có thể không thấy một kẽ hở trong thành hay lỗ trống thành lớn cho đến mức một con mèo có thể chui qua. Người ấy có thể không biết được: “Từng ấy loài hữu tình đã đi vào hay đi ra thành này, nhưng điều này cho biết: “Những loài hữu tình thô lớn nào đi vào hay đi ra thành này”, tất cả chúng phải đi vào hay đi ra ngang qua cửa thành này. Cũng vậy, này Hiền giả Uttiya, đối với Như Lai, không phải là một vấn đề quan trọng (câu hỏi này của Thầy) là có phải toàn thế giới do vậy được thoát ra khỏi hay nửa phần thế giới, hay là một phần ba? Những điều Như Lai nói là như sau: “Những ai đã được thoát ra khỏi thế giới, hay đang được thoát ra, hay sẽ thoát ra, tất cả những vị ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái, những pháp làm ô nhiễm tâm, làm yếu ớt trí tuệ, với tâm khéo an trú trên Bốn niệm xứ; sau khi như thật tu tập Bảy giác chi, như vậy các vị ấy đã thoát khỏi, đang thoát khỏi, sẽ thoát khỏi thế giới. Này Hiền giả Uttiya, về câu hỏi mà Thầy đã hỏi Thế Tôn đứng trên một lập trường khác. Ðó là lý do tại sao Thế Tôn không trả lời câu hỏi ấy cho Thầy.

(Nguyên văn bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi