“CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG” VỚI NGƯỜI CAO TUỔI
BS ĐỖ HỒNG NGỌC
Ảnh minh họa
Từ năm 1946, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã định nghĩa: Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being; bien-être) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật. Một định nghĩa như thế, cho thấy đánh giá sức khỏe của một con người không thể chỉ dựa vào chuyện có hay không có bệnh tật… Cái khó ở đây là làm cách nào đánh giá được “tình trạng sảng khoái” về cả ba mặt, thể chất, tâm thần và xã hội như định nghĩa đã nêu? Đánh giá sự sảng khoái, sự hài lòng cũng chính là đánh giá hạnh phúc. Mà đánh giá hạnh phúc là chuyện không đơn giản chút nào vì nặng tính chủ quan, dễ lệch lạc. Chính vì thế mà mãi nửa thế kỷ sau, WHO mới đưa ra đựơc một bảng “Đánh giá chất lượng cuộc sống” (Quality of Life Assessment, 1996) liên quan đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe để cụ thể hóa định nghĩa đã nêu trên. Theo đó, người thầy thuốc chỉ quan tâm chữa trị bệnh tật là chưa đủ, mà phải quan tâm đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nói khác đi, người bệnh sống không phải chỉ là “sống sót”, tồn tại, mà phải là sống có ý nghĩa, có hạnh phúc ở một mức độ tốt nhất có thể được. WHO đề ra một bảng chỉ số gọi là WHOQOL-100 (WHO Quality Of Life với 100 đề mục để đánh giá) có thể triển khai thực hiện trên nhiều nước khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau, bao gồm 6 lãnh vực:
1. Sức khỏe thể chất;
2. Tâm lý;
3. Mức độ độc lập;
4. Các mối quan hệ xã hội;
5. Môi trường;
6. Niềm tin, tôn giáo, vấn đề tâm linh.
Theo WHO, Chất lượng cuốc sống (CLCS) là cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống và liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ.
(“an individual’s perception of their position in life in the context of the culture and value systems in which they live and in relation to their goals, expectations, standards and concerns”).
Điều dễ thấy ở đây là cách đo đạc CLCS đặt trọng tâm lên cảm nhận cá nhân của từng người, cho thấy có cái nhìn khác xưa đối với bệnh tật và sức khỏe lâu nay chủ yếu dựa vào “cảm nhận” của thầy thuốc. Do vậy, đánh giá sức khỏe hay bệnh tật của một con người sẽ không chỉ dựa trên kết quả các xét nghiệm máy móc mà còn trên những cảm nhận chủ quan, quan điểm riêng của từng cá nhân về sức khoẻ, bệnh tật của họ, về sự “sảng khoái” của họ trong cuộc sống thường ngày trong bối cảnh văn hóa và môi trường thiên nhiên quen thuộc của họ. Ở đây, cho thấy vai trò của mối quan hệ giữa thầy thuốc và bệnh nhân là rất quan trọng. Mối quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân mà không tốt, thì người bệnh khó có thể duy trì “chất lượng cuộc sống”! Thí dụ, gặp một thầy thuốc hay “hù dọa” thì bệnh chỉ sẽ nặng thêm, bởi lo âu, sợ hãi càng dẫn tới stress và trầm cảm! Các bệnh thời đại hiện nay thường gặp là S.A.D (Stress, Anxiety, Depression)… nhất là khi IT, AI, với Fake news, deep fakes… loan truyền tin giả, hù dọa, gạ gẫm. Do đó, câu “dalani” có ích nhất lúc này có lẽ là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong Kinh Kim Cang! Đừng vội tin ai cả. Kiểm chứng đi, thử đi rồi biết!
Suy nghĩ từ góc độ đánh giá chất lượng cuộc sống của người bệnh như vậy sẽ làm thay đổi cái nhìn của người thầy thuốc về bệnh nhân trong quá trình điều trị. Cả người bệnh khi hiểu rõ chất lượng cuộc sống là do mình quyết định cũng sẽ không chỉ biết lệ thuộc vào thầy, vào thuốc, vào xét nghiệm, mà còn biết tăng cường sức khỏe, nâng cao sức khỏe của chính mình để có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể.
Cần để ý rằng, ở người cao tuổi, định nghĩa sức khỏe có khác một chút: “Sức khỏe của người cao tuổi là: Phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), rồi mới đến xã hội (social) và thể chất (physical)”.
“Phát triển” và “duy trì” tốt nhất có thể thôi, chớ không thể được “như xưa” nữa! Bởi các hoạt động chức năng xài lâu quá đều rệu rã, “quá date”, do đó người già dễ cảm thấy chán nản, tuyệt vọng, lo âu… nói khác đi là khó mà… “sảng khoái” được. Thể chất thì “ba cao một thấp” (ba cao là cao máu (tăng Huyết áp); cao đường (Tiểu đường); cao mỡ (Cholesterol xấu); còn một thấp là… Thấp khớp) đã đành mà tâm thần thì có đủ tám vạn bốn ngàn phiền não! Vì thế, đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu là hoàn toàn hợp lý cho người cao tuổi so với định nghĩa về sức khỏe nói chung.
Các nghiên cứu cho thấy một tuổi “già có chất lượng” là phải:
– Biết chấp nhận “nó”. Thấy nó là chuyện tất yếu.
– Người nào có nhiều kinh nghiệm gần gũi với những người già… dễ thương, thì sau này hy vọng cũng sẽ dễ thương, bởi họ biết chuẩn bị… tới phiên mình.
– Hiểu luật vô thường và Từ bi với chính mình.
– Có một niềm tin tôn giáo.
– Chấp nhận điều kiện sống hiện tại dù có kém xưa và kém xa với mong ước của mình.
– Có ký ức tốt đẹp về tuổi thơ và tuổi thanh niên với những thành tựu trong quá khứ.
– Được tự do sắp xếp cuộc sống riêng của mình, không bị áp đặt từ bên ngoài.
– Được xã hội và gia đình chấp nhận, tôn trọng.
– Vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động hữu ích cho gia đình, xã hội theo sức mình.
– Vui vẻ với các cách giải trí của tuổi già, với bạn bè, con cháu.
– Hài lòng với cụôc sống lứa đôi.
– Sức khỏe tương đối tốt, không mắc bệnh mãn tính nặng.
– Tài chính ổn định, đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu…
– Và, biết sống “Ở đây và Bây giờ”.
Một nhà báo nằm chiêm bao thấy gặp Thượng Đế bèn mở máy ghi âm xin phép được phỏng vấn vài câu nếu Ngài có thì giờ.
– Cứ tự nhiên. Thì giờ của ta vô hạn!
– Từ khi… tạo ra loài người, Ngài có điều gì băn khoăn thắc mắc về họ không?
– Nhiều lắm.
– Chẳng hạn?
– Loài người rất lạ. Lúc nhỏ thì mong cho mau lớn. Lớn rồi thì mong cho nhỏ lại…
Nhà báo giật mình, thấy hơi nhột. Thượng Đế tiếp:
– Lạ nữa, lúc trẻ khỏe thì họ mang hết sức lực ra đấu đá tranh giành để kiếm cho thật nhiều tiền… Rồi khi có tuổi, họ mang tiền đó ra… phục hồi sức khỏe!
Nhà báo rút khăn lau mồ hôi trán.
– Nhưng lạ nhứt là loài người không sống!
– Nghĩa là họ…
– Không. Họ vẫn tồn tại nhưng không sống. Họ luôn nhớ tiếc dĩ vãng hoặc mơ ước tương lai. Mà dĩ vãng thì qua rồi, tương lai thì chưa tới. Họ luôn ở trong cái đã qua rồi hoặc cái chưa tới… nên nói họ không sống…
– Ý Ngài là phải biết sống trong hiện tại?
– Phải. Ở đây và Bây giờ!
(internet)
Nhà báo tỉnh giấc, toát mồ hôi, đưa tay vò mái tóc… lẩm bẩm: “Đời tôi ngốc dại/ Tự làm khô héo tôi đây/ Nửa đêm thức dậy/ Chập chờn lau trắng trong tay…” (TCS)
Phật dạy rồi đó thôi:
Không than việc đã qua,
Không mong việc sắp tới,
Sống ngay với hiện tại,
Do vậy, sắc thù diệu…
(phẩm “Cây Lau”).