Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

CHIẾC BÓNG KHÔNG BAO GIỜ KHUẤT

Tưởng niệm 52 năm vắng bóng Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Cư sĩ GIÁC ĐẠO

Tượng bán thân Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền tại chùa Xá Lợi

 

Với anh em chúng tôi, lớp thanh niên được trưởng thành và học đạo từ các phong trào thanh niên Phật giáo, cho đến tận hôm nay, hình bóng của Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền (1905 – 1973) luôn là điểm sáng gần nhất, gợi mở nhiều hướng đi và là ngọn đèn sáng trong lý tưởng phụng sự, dấn thân của mình để phấn đấu và vươn lên.

Đã 52 năm, thời gian của hơn nửa thế kỷ trôi qua, lúc bình lặng, khi ồn ào nối chồng bao biến động cuộc đời, mà ngọn đèn sáng soi bóng lý tưởng ấy vẫn chưa phai nhạt. Trước hết, khi mới chập chững bước vào con đường học đạo, chúng tôi cũng chưa hiểu biết nhiều về những gương sáng của tất cả những cư sĩ Phật tử tuyệt vời nhiều trong sử liệu Phật giáo. Trong đó, đầu tiên có Ngài Duy Ma Cật thời Phật còn tại thế. Kế đó còn là gương sáng của Cụ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897 – 1969) và nhiều cụ cư sĩ khác nữa. Với Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, còn là dấu ấn bởi kết hợp nhiều sự kiện nhất là gương sáng đầu tiên và trọn vẹn nhất là việc tìm hiểu Phật học cùng sự phấn đấu của Cụ với chuỗi thời gian liên tục, chưa một lần dừng nghỉ sau một quãng thời gian dài lăn lộn với nhiều ngả đường cát bụi trần ai. Trước tiên, như đã thưa, với niềm hãnh diện và tự hào ngày ấy, anh em chúng tôi luôn nghĩ về Cụ Chánh Trí với nhiều sử liệu bên cạnh và gần nhất của mình. Có dịp tiếp cận các vị lãnh đạo Phật giáo hay những bậc trưởng thượng, các vị đều tán thán và đồng tình với niềm tự hào có thật này không chỉ riêng mình mà còn hầu hết của đại đa số những ai có quan tâm.

 

Cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, ông Trần Văn Văn, Đại tướng Nguyễn Khánh
và cụ Phan Khắc Sửu tại Dinh Gia Long năm 1964

 

Theo đó, trong nhiều sử liệu và trong chính sự chiêm nghiệm của chính mình, qua hình ảnh sáng ngời của Cụ Chánh Trí, anh em chúng tôi vẫn luôn thấy ra rằng: Với những ai đã có sẵn trình độ tri thức, một khi tiếp cận, tìm hiểu Phật pháp, để trở thành con nhà Phật đúng nghĩa, là bước khởi đầu nhiều thuận duyên nhất, mau đưa đến thành công viên mãn nhất. Như đã thưa, Cụ Chánh Trí được như vầy là vì Cụ luôn luôn trau dồi cũng như gìn giữ giới hạnh bản thân, trước công việc thế sự lẫn Phật sự. Từ đó, liên hệ nhiều sự kiện đã xảy ra từ trước đến nay, anh em chúng tôi còn thấy ra trong nhiều sự việc không hay, đáng tiếc của Phật giáo Việt Nam phần nhiều đều rơi vào các trường hợp thiếu sự tinh tấn tu hành, tự trau dồi giới đức của bản thân, dù vị đó cũng có trình độ tri thức cao trong xã hội, có điều kiện tiến thủ, nhưng do thiếu tu dưỡng giới đức, thực tu bản thân, gây ra nhiều hệ lụy không nên có một cách đáng tiếc. Đây là bài học muôn đời không phải chỉ riêng Phật giáo Việt Nam chúng ta mới gặp phải, mà Phật giáo nhiều quốc độ khác cũng đều gặp phải. Đó mới chính là điều so sánh mạnh dạn nhất để trong lòng anh em chúng tôi luôn giữ được hình bóng của Cụ Chánh Trí cao đẹp, rõ nét đến dài lâu.

Cụ Chánh Trí, cất tiếng chào đời tại làng Long Mỹ, Bến Tre (nay thuộc Huyện Giồng Trôm). Là một người con của miền Tây sông nước, nhưng do ý chí tiến thủ, ham học hỏi nên Cụ Chánh Trí được lớn lên, học hành theo lộ trình của nền giáo dục Tây học ở Sài Gòn. Các khóa thi hạng ngạch làm công chức, Cụ cũng dễ dàng vượt qua và luôn thành công theo từng ý định mong muốn. Vào đời, Cụ được bổ nhiệm làm việc tại hầu hết khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Ở những nơi đó, với các biến động của quê hương liên tục xảy ra làm cho tâm hồn Cụ có những đổi thay. Cụ cáo nhiệm tất cả với lý do đi nghỉ dưỡng để dọn đường, ngược hướng Sài Gòn, quyết chí tạo dựng một lối đi ngắn nhất và gần nhất với tâm nguyện của mình, thay vì các hạng ngạch công chức, quan trường. Đó là thời gian sau khi Nhật bị đảo chánh, những chánh phủ ngắn ngủi lúc bấy giờ thay đổi liên tục cũng tạo ra nhiều cơ hội để Cụ bước lên từng bước một cách thong dong. Đó cũng là thời gian sau khi Cụ Chánh Trí đã gặp vị Hòa thượng Bổn sư, dẫn đắt lối đi cho mình vào nẻo đạo. Trong chút chiêm nghiệm ẩn sâu, chúng ta thấy rằng tất cả những bước đi của Cụ Chánh Trí lúc bấy giờ đều có một ý thức nhất định, chớ không ngẫu nhiên phó mặc.

Khi Cụ Chánh Trí gặp được Hòa thượng Thích Hành Trụ (1904 – 1984), chẳng khác nào hạt giống đạo từ trong A Lại Da thức được thuận duyên sinh sôi nảy nở một cách mạnh mẽ. Hòa thượng đã ban cho Cụ pháp danh Chánh Trí. Pháp danh này cũng được các anh chị huynh trưởng tiền phong, vinh hạnh đặt cho tên mỗi đơn vị Gia Đình Phật Tử và phát triển mạnh mẽ thời bấy giờ mà anh em chúng tôi cũng là thành viên của một đơn vị đó từ thuở Oanh Vũ hồn nhiên. Những điều tưởng nhỏ nhoi ấy mà mãi đến khi lớn lên và thọ các cấp huynh trưởng theo từng thời gian, được tiếp cận nhiều trang sử đẹp, mình mới biết được, góp thêm phần đúc kết vào sự ngưỡng mộ và kính phục công ơn Cụ Chánh Trí hằng bao lâu nay. Khi nguồn tri thức gặp nền tảng tri kiến Phật, cộng thêm sự chuyên cần tiến tu cho bản thân, thì tất nhiên sẽ có nhiều thành tựu vô cùng lợi ích cho đạo pháp. Cụ Chánh Trí tìm gặp Bổn sư của đời mình đúng là Cụ được chắp đôi cánh bay lên thật rộng và thật cao, tạo ra nhiều ảnh hưởng tích cực khắp nơi.

Khi đã có minh sư, trở thành một người cư sĩ Phật giáo, sau đó nhiều Phật sự lớn nhỏ đã được mở ra từ trái tim thiết tha với đạo pháp, Cụ Chánh Trí luôn đóng góp phần mình một cách tích cực, bên cạnh những công việc hành chánh thế sự, mà dường như đó là những trợ duyên, tích lũy thêm khả năng và đạo lực của chính mình để trở lại phụng sự chúng sanh và góp phần hóa đạo, xiển dương Chánh pháp. Cụ đã ân cần, miệt mài thực hiện một cách không mệt mỏi, trong đó Hội Phật Học Nam Việt là một trong những điểm son thành tựu lớn nhất trong cuộc đời của Cụ Chánh Trí, nhiều hơn hẳn các sự kiện lên xuống của thế sự mà Cụ cũng không muốn mình đứng ngoài cuộc. Chính Hội Phật học Nam Việt là ngôi nhà vững chắc và bền bỉ nhất cho đến từng giây phút cuối đời Cụ vẫn chưa có dấu hiệu buông tay vì mệt mỏi. Chưa kể ngôi Chùa Xá Lợi từ khi được góp mặt với dòng chảy lịch sử vẻ vang của Phật giáo, đặc biệt thời chính thể Ngô Đình Diệm, là một dấu ấn to lớn trong cuộc đời mình, góp phần viết lên trang sử vàng của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam đã có được những gương sáng tuyệt vời từ hàng cư sĩ Phật tử, làm gương soi cho hàng hậu thế noi theo. Có vị chuyên về văn hóa, xã hội, chuyên sâu nền tảng Phật học, có vị chuyên về các hoạt động thanh thiếu niên và cũng có vị chuyên nặng phần chính thể xã hội, tất cả tạo nên khung cảnh đa sắc màu, trong nhiều khía cạnh. Cụ Chánh Trí có phần đặc biệt vì ngoài các hoạt động đa dạng với nhiều khuynh hướng đa sắc màu của thời cuộc bấy giờ, Cụ vẫn trung thành, miệt mài và chuyên cần lo tròn các nhiệm vụ Phật sự trọng yếu của đời mình cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, trả lại cho đời những hơn thua hờn giận, để còn đó một nét lắng đọng sâu sắc nhất, mang ý nghĩa khó phai mờ trong lòng những người con Phật, đó là những thành tựu Phật học viên mãn.

Năm Ất Tỵ 2025 này, những người luôn kính quý cuộc đời, công hạnh của Cụ Chánh Trí đã bước vào ngày kỷ niệm 52 năm vắng bóng. Thắp nén hương hướng về bề dày công hạnh đó để thấy thêm rằng những thành tựu của Cụ Chánh Trí đã sống và cống hiến cho đạo pháp, dân tộc vô cùng to lớn. Sẽ càng ý nghĩa hơn khi gương sáng ấy của Cụ Chánh Trí giúp chúng ta từng bước buông bỏ những nghịch duyên từ ngoại cuộc, hiểu thêm lời Phật dạy: “Phàm gì có tướng đều là hư vọng”.

 

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi