Bỏ qua nội dung Bỏ qua thanh bên Bỏ qua chân trang

DẤU TÍCH CÁC CHÙA PHẬT GIÁO THỜI NHÀ MẠC Ở HẢI PHÒNG

 

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

 

Hải Phòng là quê hương của Thái tổ Mạc Đăng Dung – người khai sáng vương triều Mạc kéo dài 67 năm (1527-1592) với 5 đời vua tại kinh thành Thăng Long, và cũng có Dương Kinh – kinh đô thứ 2 của nhà Mạc, nơi để lại các dấu tích đậm đặc ở Hải Phòng, đặc biệt dấu tích các chùa Phật giáo.

I. Tình hình các chùa thời Mạc ở Hải Phòng

a. Theo sách Chùa cổ Hải Phòng1

1. Chùa Bảo Phúc, thôn Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, có bia “Bảo Phúc tự bi ký” năm Quảng Hòa thứ 4 (1544). Chùa là Di tích Lịch sử Nghệ thuật cấp Quốc gia 1993.

 

Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung tại chùa Trà Phương.

 

2. Chùa Trà Phương (Thiên Phúc tự), (Bà Đanh tự), thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, còn lưu giữ: 3 chân đá, bia đá “Tu tạo Bà Đanh tự chi bi” năm Thuần Phúc nguyên niên (1562), tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung (còn gọi là ông Bất Năng Nhẫn) cao 75 cm; phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (1551) cao 76 cm, khắc chìm trong mặt bia; tượng Sư, bệ tượng nhà Mạc, hai bên thành bậc nhà Bia có đôi sấu đá, điêu khắc theo lối tượng tròn. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia 2007.

3. Chùa Hòa Liễu (Thiên Phúc tự), làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, lưu giữ: Bia “Thiên Phúc tự tu tạo bi” dựng năm Quảng Báo thứ 8 (1561); bộ tượng (3 pho) Tam thế, 1 pho Quan Âm Tọa sơn, phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, chạm nổi trong lòng bia, chân bia là đài sen hình chữ nhật kép; 2 pho tượng Vương, ngồi trên ngai rồng; 1 tượng Người hưng công được làm theo phong cách của tượng các ông Tổ nghề; tượng sấu đá. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia năm 1993. Trong đó, phù điêu Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

4. Chùa Đại Trà (Đại Linh tự), thôn Đại Trà, xã Đông Phương, huyện Kiến Thụy, có tượng Quan Âm Tọa sơn; tượng Quan Âm Tống tử; tượng thân vương nhà Mạc gồm tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung và tượng Hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn vợ vua Mạc Thái tổ, niên đại Diên Thành nguyên niên 1578. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

5. Chùa Du Lễ (Trúc Am tự), thôn Du Lễ, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy có bia đá “Trúc Am tự bi” dựng năm Đoan Thái thứ 2 (1587), bộ tượng Tam thế tạc bằng gỗ mít, to bằng người thật, cao 80cm. Tượng Quan Âm Thiên thủ thiên nhãn. Chùa là Di tích Lịch sử kháng chiến cấp Thành phố năm 2008.

6. Chùa Nhân Trai (Phúc Linh tự), thôn Nhân Trai, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy còn lưu giữ bia đá “Sáng lập minh bi” dựng năm Diên Thành thứ 2 (1579); tượng Vương niên đại 1541 gồm tượng vua Mạc Thái tổ bằng đá2, ngồi cùng 4 pho tượng đá, trên nền chùa có 3 pho tượng nữ và 1 pho tượng nam mặc áo cổ tròn đứng hầu. Chùa có 6 thành bậc (3 bộ lan can thành bậc) 1 bộ chạm rồng 5 móng như tại chùa Hòa Liễu nhưng lớn hơn, mây cuộn; chân tảng đá được tạo dáng một chiếc bình cổ thắt bụng phình, đế thon với một lớp cánh sen úp được tạo hình trong lòng cánh sen. Xung quanh chân tảng đá hình rồng ngọc vờn. Chùa là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Thành phố.

7. Chùa Văn Hòa (Phổ Chiếu tự), thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, được dựng từ thời Lê sơ. Đến thời Mạc Mậu Hợp niên hiệu Diên Thành (1578-1585), chùa được các thân vương nhà Mạc đóng góp công của trùng tu trở thành một ngôi chùa lớn có đầy đủ Tam quan, gác Chuông, nhà Tăng, nhà Khách, Phật điện. Chùa lưu giữ bia đá dựng năm Diên Thành thứ 2 (1579), 2 pho tượng bằng đá xanh. Chùa là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia 1996.

8. Chùa Phục Lễ (Kiến Linh tự), xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, lưu giữ bia “Trùng tu Kiến Linh tự tái tâm tạo Phật tượng bi” khắc năm Thuần Phúc thư 2 (1563), bia “Tân tạo Khánh Long kiều bi ký” khắc năm Sùng Khang thứ 2 (1567). Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp thành phố 2003.

9. Chùa Lôi Động (Tiên Lữ tự) (có tài liệu viết Lã Tiên, Lã Tân), thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, lưu giữ tượng đá thời Mạc (tr.43 nói rằng đó là pho tượng vua Mạc bằng đá lớn, xấp xỉ bằng người thực, người đã từng ẩn cư tại chùa. Khi bí mật rời đi, ông đã để lại hành trang của mình có nhiều vàng bạc. Nhờ đó, dân làng có điều kiện trùng tu tôn tạo chùa khang trang hơn, họ tạc tượng ông thờ tại chùa để ghi nhớ công ơn ông). Chùa là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, 1996.

 

Tượng vua Mạc ở chùa Lôi Động.

 

10. Chùa Minh Thị (Minh Phúc tự), xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng có tấm bia “Vân Thùy am” dựng năm 1572 chạm nổi phù điêu chân dung Thái hoàng thái hậu họ Vũ người dựng chùa năm Sùng Khang thứ 5 (1571); Bộ Tam thế gồm 2 tượng đá và 1 tượng gỗ; 2 bệ tượng hoa sen, bằng đá; Tượng Phật A Di Đà bằng đá vao băng người thật; Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Thành phố.

11. Chùa Nam Tử (Bảo Khánh tự), thôn Nam Tử, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có bia đá dựng năm Hưng Trị thứ 2 (1588). Chùa là Di tích Lịch sử-Kháng chiến cấp Thành phố, 2006.

 

Di tích thời Mạc tại chùa Đông Ninh

 

12. Chùa Đông Ninh (Hà Lâu tự), thôn Đông Ninh, xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng, lưu giữ tấm bia đá “Hà Lâu tự bi ký” dựng năm Hưng Trị thứ 2 nói về việc năm Ất Mùi (1535) sư Tăng Diệu Trí cùng các Hội chủ Mai Thanh Hữu, Vũ Biểu cùng một số người khác hưng công tu sửa Hậu đường, Hành Lang, dựng Tam quan trong số tín đồ có Thánh từ Hoàng Thái hậu Vũ Thị, Hoàng hậu Bùi Thị, bia đá bị mất nhưng bản rập của Viễn Đông Bác Cổ lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Cặp thành bậc có hình con sấu ở hiên Tiền đường; cặp thành bâc ở lối đi chính là hình sấu chạm sơ sài, cặp ở hai bên hồi chạm mây và sóng nước; Tượng đá cao 82 cm dáng quan văn, thân tượng ghi niên đại hoàn thành năm 1535. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Thành phố, 2006.

13. Chùa Bách Phương (Hoa Tân tự), thôn Bách Phương, xã An Thắng, huyện An Lão có tấm bia “Hoa Tân tự chi bi” dựng năm 1582, tượng Vương niên hiệu Diên Thành nguyên niên 1578, tượng Sư thời Mạc. Chùa là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

14. Chùa Nứa (Linh Sơn tự), thôn Áng Sơn, xã Thái Sơn, huyện An Lão, có bia đá dựng năm Diên Thành Nguyên niên, đời vua Mạc Mậu Hợp (1578), ghi việc tu sửa chùa năm 1578. Suy ra, chùa được dựng từ trước đó. Chùa là Di tích Lịch sử-Kháng chiến cấp Thành phố, 2006.

15. Chùa Đồng Quan (Bảo Quang tự), thôn Đồng Quan, xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, lưu giữ bia đá dựng chùa năm Sùng Khang thứ 7 (1572) đời Mạc Mậu Hợp. Bia thứ 2 “Bảo Quang tự chung bi kí” tấm bia về quả chuông ở chùa năm Diên Thành nguyên niên (1578). Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia, 1992.

16. Chùa Trung Hành (Hưng Khánh tự), khu dân cư Trung Hành, phường Đằng Lâm, quận Hải An. Chùa được dựng từ thời Lý-Trần. Đến thời Mạc, chùa được trùng tu tôn tạo thành một ngôi chùa khang trang nổi tiếng trong vùng. Ở Tiền đường có ban thờ một vị vua nhà Mạc bằng đá ngồi trên ngai vàng, bệ tượng hình hộp chữ nhật niên đại 1583. Chùa còn lưu giữ được Nhang án đá kép thời Mạc. Chùa là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. 1993.

17. Chùa Đào Yêu (Quang Khải tự), thôn Đào Yêu, xã Hồng Thái, huyện An Dương có bia “Tạo Phật Ngọc Hoàng bi” dựng năm Đoan Thái thứ 3 (1588), tượng Ngọc Hoàng tạo năm 1588.

18. Chùa Cả (Chiêu Tường tự), thôn Khinh Dao, xã An Hưng, huyện An Dương, lưu giữ: 3 pho Tam thế, 1 pho Quan Âm Tọa sơn, 1 tượng Vương (Đức Vua), tượng bà Hoàng thái hậu họ Bùi, 1 tượng Sư Tổ đều bằng đá.

19. Chùa Nhân Mục, thôn Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, có đôi sấu đá đặt trước hiên tòa Tiền đường, giống hệt những con vật cùng loại đã được xác định chính xác niên đại nhà Mạc (thế kỷ XVI) ở chùa Trà Phương, Nhân Trai. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia năm 1994.

20. Chùa Do Nha (Triệu Tường tự), xã Tân Tiến, huyện An Dương, dựng từ thời Trần. Hiện chùa còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, nổi bật là bộ Tam thế bằng đá xanh cao 0,75 m (cả bệ đá) mang phong cách nghệ thuật thời Mạc. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia.

21. Chùa Thanh Sử (Thanh Sử tự), gọi tắt là Chùa Sử, thôn Am, xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo. Do một vị quan Ngự sử thời Mạc giao lại toàn bộ gia sản cho nhân dân địa phương làm chùa, nhưng chưa tìm thấy di vật thời Mạc tại chùa. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp thành phố.

22. Chùa Quế Lâm (Vĩnh Khánh tự), thôn Quế Lâm, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy dựng từ thời Mạc. Trong kháng chiến chống Pháp chùa tiêu thổ kháng chiến, không còn di sản thời Mạc. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Thành phố, 2009.

23. Chùa Cổ Trai (Phúc Linh tự), xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Là quê hương của sáng tổ nhà Mạc là Mạc Đăng Dung. Chùa được xây dựng từ lâu đời, khi nhà Mạc mất ngôi, Trịnh Tùng đã cho san phẳng hoàn toàn các công trình như cung điện, lăng tẩm, chùa, miếu trên quê hương nhà Mạc. Chùa Cổ Trai cũng chịu chung số phận. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Thành phố, 2004.

24. Chùa Cổ Lôi (Cổ Lôi tự), làng Chung Mỹ, xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, dựng thời Mạc. Đến nay chưa tìm thấy di sản thời Mạc.

25. Chùa Xuân Úc (Phong Quang tự), thôn Xuân Hưng, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng được dựng từ năm Hưng Tự (1590), đời vua Mạc Mậu Hợp. Theo sách Lịch sử Phật giáo thành phố Hải Phòng, Nxb Tôn giáo, 2022, trang 267 cho biết cụm di tích đình, đền, chùa Xuân Úc là Di tích Lịch sử cấp thành phố, hiện chùa còn lưu giữ được 33 cổ vật có niên đại từ thế kỷ XVI. Do không nói rõ tên di vật nên tạm xếp là chùa không còn di sản.

Hiện nay, thành phố có 25 chùa dựng hoặc trùng tu lớn từ thời Mạc, trong đó có 20 chùa còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật.

b. Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020

 

Chùa Mõ

 

1. Chùa Mõ còn gọi là chùa Nghi Dương (Hồng Phúc tự), xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, dựng từ thời Trần Anh Tông (1308). Đến thời Mạc, chùa Mõ được trùng tu lớn tạo cho ngôi chùa một diện mạo mới khang trang tố hảo như “Hồng Phúc tự bi” niên hiệu Diên Thành thứ 6 (1583) lưu giữ ở chùa ca ngợi: “Làng Nghi Dương, xã Nghi Dương ở Dương Kinh là chốn thắng địa. Phía Bắc của làng có chùa, biển đề “chùa cổ Hồng Phúc” phía Đông là đường, phía Nam là sông. Thật là bậc nhất thế giới”3. Bia 2 mặt, kích thước 105 cm x 62 cm.

2. Chùa Mai Động (Lễ Sơn tự), xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, lưu giữ 3 pho Tam thế bằng đá4. Chùa là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia, 1996.

3. Chùa Đông Minh, thôn Do Lễ, xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên lưu giữ 2 pho tượng Tam thế bằng đá thời Mạc.5

4. Chùa Thọ Linh6, thôn Đoan Lễ, xă Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, lưu giữ bia “Trùng tu Thọ Linh tự bi ky” dựng năm 1567 7 .

5. Chùa Minh Tường, xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên, lưu giữ 1 tượng Hậu bằng đá thời Mạc.8

6. Chùa Thiên Mụ (Thiên Mỗ), làng Hỗ Đông, xã Hồng Phong, huyện An Dương. Chùa dựng từ thời Mạc, còn lưu giữ trên Phật điện 6 pho tượng bằng đá, gồm: 3 pho tượng Tam thế, 1 pho tượng vua, 1 pho tượng hoàng tử, 1 pho tượng công chúa9.

7. Chùa Bà Đanh, thôn Phúc Hải, phường Đa Phúc, quận Dương Kinh. Lưu giữ tượng vương, niên đại 1580.10

Tổng cộng 7 chùa còn lưu giữ hiện vật thời Mạc.

Như vậy, trong 32 ngôi chùa (có liên quan đến nhà Mạc ở Hải Phòng thì có 27 ngôi còn lưu giữ được các di sản thời Mạc.

II. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

1. Giá trị di sản thời Mạc tại các ngôi chùa ở Hải Phòng

Theo chúng tôi, hiện vật được lưu giữ tại các ngôi chùa được thống kê ở Hải Phòng mang giá trị điêu khắc mỹ thuật về nhà Mạc thế kỷ XVI mà trong khoảng thời gian dài trước đây mảng này để trống.

Các tượng trong chùa chủ yếu là tượng Phật giáo và tượng chân dung, hầu hết được làm bằng đá với khối hình mập, đường nét tinh tế, trang trí công phu.

– Tượng Phật giáo bao gồm tượng Tam thế, tượng Quan Âm Tọa sơn.

– Tượng Đạo giáo duy nhất có tượng Ngọc Hoàng ở chùa Đào Yêu (Quang Khải tự).

– Tượng Đức vua, Vương, ông hoàng.

– Chân dung các bà chúa Mạc: Chủ yếu là phù điêu tạc vào mặt bia.

– Tượng Sư Tổ.

Qua khảo sát, nghiên cứu các pho tượng trên cho thấy nghệ thuật điêu khắc các pho tượng là đơn giản với khối hình chắc khỏe, không quá đi sâu vào nhiều chi tiết cầu kỳ, mà chỉ tạo ra điểm nhấn về mũ, áo. Mỹ thuật điêu khắc thời Mạc ở Hải Phòng cũng như mỹ thuật điêu khắc thời nhà Mạc đã tạo ra một phong cách riêng, phong cách Mạc với các khối hình đơn giản, súc tích, gây ấn tượng mạnh.11

Các di vật, nhất là 21 bia đá12 lưu giữ tại các chùa là nguồn tư liệu phong phú và quý giá. Nội dung văn bia góp phần cho việc nghiên cứu lịch sử kinh tế, chính trị, xã hội thế kỷ XVI nói chung và lịch sử Phật giáo thời Mạc nói riêng mà chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa này.

2Giải pháp bảo tồn

2.1. Bảo tồn các di sản

Để có giải pháp bảo tồn tốt nhất, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hải Phòng (Ban Văn hóa) hết hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (Bảo tàng, Ban Quản lý Di tích) do Sở Văn hóa thành phố làm chủ trì tiến hành:

1) Lập kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo có dự toán kinh phí cho các bước tiến hành.

2) Kiểm kê, khảo sát lại toàn bộ di sản.

Vẫn biết trong các chùa thống kê ở trên có 12 chùa là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc gia và 10 chùa là Di tích cấp thành phố, tức là đa phần đã qua một vài lần kiểm kê lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận. Nhưng lần này, công tác kiểm kê đánh giá chất lượng phải tiến hành tỷ mỉ chi tiết hơn: Rập lại từng bia, kèm theo bản dịch, chụp ảnh, đo kích thước từng di vật gọi tên chính xác (hệ thống tượng Phật, Quán Âm Bồ tát, Đức Vua, tượng Vương, tượng ông hoàng, bà chúa, tượng Sư Tổ, chạm sấu, thành bậc chạm rồng, hoành phi câu đối (nếu có) lập hồ sơ cổ vật, thuyết minh đầy đủ để bổ sung vào hồ sơ di tích, số hóa hồ sơ di tích để bảo quản lâu dài phòng khi vật đổi sao dời còn có cơ sở để khôi phục.

Các mẫu tượng độc đáo nên được in 3D sau khi có dữ liệu phát triển thành các phiên bản to hoặc nhỏ tùy theo yêu cầu để nhân dân có thể thỉnh về trưng bày tại nhà, trên xe ô tô… có thể trở thành quà lưu niệm đặc trưng của Phật giáo Hải Phòng.

3) Tổ chức tọa đàm, Hội thảo khoa học, đánh giá giá trị di sản.

4) Xây dựng kế hoạch bảo tồn các di sản, kiến nghị cấp trên về biện pháp bảo tồn (tu bổ, tôn tạo, bảo vệ, che nắng mưa…).

1.2. Giải pháp phát huy giá trị

– Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về di sản văn hóa để nâng cao nhận thức của toàn dân, các cấp, các ngành, khen thưởng, kiên quyết xử lý các vi phạm làm tổn hại đến di sản.

– Phát huy vai trò chủ thể cộng đồng để phát huy giá trị di sản Phật giáo thời Mạc trong các ngôi chùa ở Hải Phòng.

– Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản Phật giáo thời Mạc trên vùng đất Hải Phòng. Xuất bản những tài liệu, ấn phẩm, sách báo, phim tài liệu (video clip) giới thiệu hệ thống chùa và các di sản thời Mạc ở Hải Phòng.

Ngoài các giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, chúng ta cần quan tâm tới giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đó là các lễ hội ở các chùa thời Mạc như Lễ hội chùa Phong Quang – đền Xuân Úc và Lễ hội Minh Thệ xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy. Những lời hịch văn Minh Thệ ngắn gọn, súc tích nhưng đã nêu bật được giá trị đạo đức, sự chính trực, liêm khiết. Thông qua Hội Minh Thệ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đạo đức, lối sống, tình làng nghĩa xóm cho các thế hệ người dân địa phương. Lễ hội Minh Thệ, chùa Thiên Phúc và đền Hòa Liễu được công nhận là Di tích Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Thay lời kết

Dương Kinh – kinh đô thứ 2 của nhà Mạc trên đất Hải Phòng nhìn chung có dấu ấn mờ nhạt trong nhận thức của nhân dân Việt Nam, tuy nhiên văn hóa triều Mạc lại gắn bó mật thiết với Phật giáo. Vì vậy, giải pháp phát huy giá trị di sản Phật giáo Hải Phòng là xây dựng một trung tâm dữ liệu, bảo tàng mỹ thuật Phật giáo triều Mạc. Có thể đặt trung tâm tại một ngôi chùa thời Mạc nào đó ở Hải Phòng hoặc mở rộng Bảo tàng Hải Phòng hiện nay. Các giá trị di sản Phật giáo thời Mạc ở Việt Nam được đánh giá rất cao, tuy nhiên nó tản mát ở nhiều tỉnh thành13 vì vậy cần một sự sưu tầm và hệ thống hóa nó để trưng bày, triển lãm khiến cho những người nghiên cứu, tham quan… chỉ cần đến một trung tâm nào đó tại Hải Phòng như đề xuất ở trên chứ không cần lặn lội đi hết các tỉnh, thành để tham quan. Nếu xây dựng được một nơi như vậy thì nó có giá trị bao quát về di sản Phật giáo nhà Mạc.

 

 

Khu Tưởng niệm Vương triều nhà Mạc ở Hải Phòng

 


1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hải Phòng, Chùa cổ Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, tập 1,2, 2017.

2. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật Phật giáo thì đây là tượng Ứng vương Mạc Đôn Nhượng. GS.TS Đinh Khắc Thuân trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc tr.83 “tượng Vương ở chùa Nhân Trai được truyền ngôn là tượng của Mạc Đôn Nhượng”.

3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020, Thêm một văn bia thời Mạc ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, tr.305-309.

4. Sách Chùa cổ Hải Phòng, tập I, tr.298 cho rằng đây là bộ Tam thế có niên đại thế kỷ XIX, nhưng ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Thủy Nguyên trong tham luận tại Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc lại cho rằng đây là bộ Tam thế thời Mạc.

5. Tham luận của ông Nguyễn Tất Thắng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Thủy Nguyên tại Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc lại cho rằng đây là bộ Tam thế thời Mạc, tr.298.

6. Thích Đức Thiện-Đinh Khắc Thuân, đồng chủ biên, Văn bia Phật giáo thời Mạc, Nxb Khoa học xã hội, 2020, tr.137, 138 ghi là Trùng tu Thọ Ninh tự bi năm 1567.

7. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020, tr.211.

8. Tài liệu đã dẫn.

9. Xem Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020. Những dấu ấn đậm nét của Phật giáo dưới triều Mạc tại thành phố Hải Phòng, Nguyễn Đình Chính, tr.286-289.

10. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020, tr.212.

11. GHPGVN thành phố Hải Phòng, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng.

12. Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020, tr.216.

Sách Văn bia Phật giáo thời Mạc, do Thích Đức Thiện-Đinh Khắc Thuân, đồng chủ biên, Nxb Khoa học xã , 2020 thống kê 20 bia chùa ở Hải Phòng. Nguyễn Ngọc Tiến Thêm một văn bia thời Mạc ở xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phật giáo thời nhà Mạc, 2020, tr.305-310. Như vậy, hiện còn 21 bia chùa thời Mạc ở Hải Phòng.

13. Sách Văn bia Phật giáo Việt Nam, tập IV, Văn bia Phật giáo thời Mạc của Thích Đức Thiện – Đinh Khắc Thuân, Nxb Khoa học Xã hội, 2020 cho biết: Văn bia thời Mạc có khoảng 180 văn bia, trong đó có tới 160 văn bia liên quan đến Phật giáo nằm trên 12 tỉnh thành ở miền Bắc và 3 tỉnh ở miền Trung.

Cảm nghĩ của bạn?
0Tuyệt vời0Tệ0Vui vẻ0Buồn
Chùa Phật học Xá Lợi

Chịu trách nhiệm xuất bản: Hòa Thượng Thích Đồng Bổn

Địa chỉ: 89 Bà Huyện Thanh Quan, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM

Thời gian mở cửa

Thứ Hai - Chủ nhật
Sáng: 8:00 - 11:00
Chiều: 14:00 - 19:00

Theo dõi chúng tôi